- Tôi lo lắm. Thời gian dài không đi hát, tôi không biết khán giả sẽ phản hồi ra sao, dù bolero, trữ tình vốn là thế mạnh của tôi. Vài năm qua, thỉnh thoảng, tôi chỉ đi hát ở vài nơi cho đỡ nhớ nghề, song cảm giác không thoải mái vì chất giọng vẫn chưa hồi phục. Là ca sĩ, chỉ một lần phải cầm micro khi đang cảm là đã ám ảnh lắm rồi, huống hồ tôi mắc bệnh nan y đã lâu.
Gần đây, sức khỏe tôi có phần sa sút. Ngoài viêm xoang, có thời gian, tôi sụt 3 kg vì bệnh sốt xuất huyết, người mệt rã rời. Tuy vậy, tôi học cách chấp nhận vì bệnh của tôi phải cải thiện từ từ, không thể một sớm một chiều mà lấy lại phong độ. Hiện, giọng hát của tôi trở lại khoảng 80%, âm sắc không còn trong trẻo như xưa vì đã phải can thiệp dao kéo.
- Hành trình lấy lại giọng hát ba năm qua của chị ra sao?
- Tôi bị xoang đã lâu nhưng trước đó chỉ uống thuốc cầm cự, không điều trị tận gốc. Căn bệnh bắt đầu ảnh hưởng nặng từ cuối năm 2017. Khán giả xem tivi hay thấy giọng tôi nghèn nghẹt dù chỉ nói. Tôi khó lòng cất giọng hát vì dịch ứ đầy trong mũi. Một sáng tỉnh giấc, tôi thấy giọng mình khàn đặc.
Có bệnh thì vái tứ phương, không phương thuốc nào tôi không thử qua, từ Tây đến ta. Tôi ngần ngại, không dám mổ vì bác sĩ cảnh báo nếu phẫu thuật, bệnh có thể thuyên giảm nhưng giọng chắc chắn ảnh hưởng. Năm 2018, thấy bệnh quá nặng, hai em gái - ca sĩ Hà Phương và Minh Tuyết - đề nghị tôi sang Mỹ khám. Tôi được chỉ định mổ nạo xoang, ở lại điều trị trong một tháng. Thời gian đó, nằm trên giường bệnh, nhiều lúc tôi ứa nước mắt, sợ vĩnh viễn mất giọng rồi giải nghệ, xa khán giả.
- Ai là chỗ dựa tinh thần của chị lúc đó?
- Tôi sang Mỹ một mình vì chồng phải trông nom hai bé gái. Điều an ủi của tôi là được cả gia đình bên ấy chăm sóc. Chúng tôi thường đùa: "Một người bệnh mà bảy, tám người lo". Hà Phương từ New York bay sang, vợ chồng Minh Tuyết kề cận. Thời gian đó, tôi như một đứa trẻ, được cả nhà cưng chiều, Phương đút cho ăn, Tuyết xoa bóp chân tay. Các em hết dỗ ngọt rồi dọa nạt, bảo: "Có muốn về Việt Nam đi hát lại không?". Mổ xong, tôi lại về nhà Tuyết dưỡng bệnh. Em gái và chồng em phải thay phiên, người chạy show, người ở nhà chăm tôi.
Những lúc thuốc giảm đau hết tác dụng, tôi mệt lả, ăn xong chỉ muốn nôn. Chồng tôi ở Việt Nam thường gọi video sang, bông đùa để tôi quên đi bệnh đang hành hạ. Thực ra, lúc ấy tôi cũng giận anh lắm vì nỡ để vợ bơ vơ một mình ở Mỹ, nhưng không còn cách nào khác. Tôi đã bệnh, anh lại bỏ việc thì ai sẽ cáng đáng kinh tế gia đình.
- Thu nhập chị bị ảnh hưởng ra sao khi không đi hát?
- Lúc ấy, chồng tôi - nhạc sĩ Minh Vy - giữ vai trò giám đốc sản xuất âm nhạc cho một số cuộc thi. Tôi không thể biểu diễn nhưng vẫn được mời làm giám khảo một số game show. Nhờ vậy, nghề hát coi như không bị đứt đoạn, tài chính gia đình cũng được đảm bảo. Làm huấn luyện viên, tôi dồn hết tâm huyết vào tiết mục của các học trò nhí. Khi thấy thí sinh lên sân khấu, tôi nhiều phen bật khóc, vừa xúc động vì các em hát hộ mình, vừa tủi thân vì thèm cảm giác cầm micro.
- Chị nhận được sự quan tâm của khán giả ra sao?
- Trên Facebook, tôi được các fan nhắn tin liên tục, hỏi khi nào chị quay lại với nghề. Khi tôi nói đang phải uống bột nghệ trường kỳ để trị bệnh, các em từ quê đóng thùng gửi lên liên tục. Có khán giả ở Thái Nguyên lặn lội tìm một loại chanh quý ngâm mật ong vận chuyển vào Sài Gòn cho tôi. Biết tôi thích ăn bưởi da xanh, một fan là đầu mối ở Biên Hòa đều đặn gửi đến tận nhà. Quà cáp chủ yếu là đồ quê thôi nhưng tôi trân quý lắm, bởi nhiều người trong số họ đã theo sát tôi hàng chục năm trời.
Người ta thường bảo, làm ca sĩ phải chiều fan mới giữ được độ "hot" lâu. Tôi thì khác. Gặp các fan, tôi hay la rầy như chị với em út, vậy mà vẫn được các em mến. Nhiều nhóm fan kết nối đã lâu, nay trở thành gia đình thứ hai, thứ ba của tôi.
- Chị ấp ủ điều gì với nghề hát khi trở lại?
- Tôi thường được khán giả yêu cầu hát lại các bản hit một thời của mình. Thỉnh thoảng, xem Youtube, tôi thấy nhiều bạn trẻ cover Ảo mộng tình yêu, Em sẽ là người ra đi, Người về cuối phố... Dù tôi theo đuổi dòng bolero nhiều năm nay, những bài hát của tôi gắn với thời thanh xuân nhiều khán giả 8x, 9x lại thuộc dòng nhạc trẻ. Khi tôi hát ở phòng trà, chỉ cần đoạn nhạc dạo nổi lên, khán giả đã vỗ tay. Tôi muốn làm một show như thế, chỉ sử dụng các bản phối cũ để tái hiện chặng đầu đi hát của mình.
Theo Vnexpress