- Dù tôi đã lớn tuổi, trong mắt mẹ vẫn là người con nhỏ. Khi thấy tôi về, mẹ rất mừng và nói: "Con về". Sau đó, tôi giới thiệu Thảo và Bồ Câu, mẹ tôi gật đầu, bảo: "Chào con!" rồi mỉm cười sung sướng. Tôi biết mẹ không nói nhiều lời, nhưng nụ cười của mẹ đã thể hiện tất cả. Bà bế Bồ Câu, khi ấy mới một tuổi, vào lòng sau đó quay qua con dâu hỏi thăm có mệt không. Thời gian ở Mỹ, chúng tôi cố gắng qua chơi với mẹ nhiều. Cả nhà cùng ăn uống, trò chuyện để bà được gần con cháu. Mẹ tôi chỉ hỏi tôi có vui không. Biết tôi hạnh phúc, con dâu và cháu nội dễ thương, bà rất mừng.
- Trước đó, anh kể cho mẹ nghe những gì về vợ mới cưới qua các cuộc điện thoại?
- Khi quen và quyết định gắn bó với Thảo, tôi không bàn với mẹ. Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn tự quyết định mọi chuyện của mình. Gia đình đều hiểu tôi rất rõ, rằng tôi thích tự lập và không mấy khi bàn chuyện riêng tư. Tôi chỉ báo và mời anh chị, các cháu nếu ai có thể thì về Việt Nam dự đám hỏi của tôi và Thảo. Tôi biết khoảng cách xa xôi, công việc và sức khỏe là hạn chế khiến việc đi lại không dễ. Tôi là người con thứ sáu trong gia đình có bảy anh em mà ai cũng đã lớn tuổi.
Sau khi Thảo sinh, tôi và Thảo đưa Bồ Câu qua Mỹ thăm gia đình. Mọi người đều quý mến Thảo và rất yêu Bồ Câu. Mẹ tôi khi đó 88 tuổi nhưng rất minh mẫn. Hiện bà đã 91 tuổi mà vẫn như xưa.
- Đã là lần thứ tư anh đưa một người vợ về nhà ra mắt. Cảm xúc của anh thế nào?
- Cha mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc. Thấy tôi đổ vỡ, mẹ rất xót xa. Ít nhiều mẹ cũng hiểu mỗi lần đổ vỡ tôi đã chịu tổn thương rất lớn. Mẹ chỉ hỏi: "Con có sao không?", ngoài ra các anh chị em không ai đề cập và tránh nhắc chuyện cũ.
Hôn nhân đổ vỡ không do một người, một chuyện hay một hiểu lầm. Đó là quá trình tích lũy của những xung đột, mâu thuẫn không thể hóa giải nên chuyện nhỏ trở thành giọt nước tràn ly. Tôi bắt đầu cuộc tình nào cũng như lần đầu tiên, đều yêu hết mình. Tôi không để chuyện cũ ảnh hưởng đến chuyện mới. Sai lầm thì rút kinh nghiệm, không để mối quan hệ mới chịu thiệt thòi. Tôi không thích đề cập, bàn tán chuyện ngày xưa với người mới.
Cuộc tình nào mà chẳng bắt đầu đẹp đẽ. Tôi giữ những gì tốt nhất và cho qua mấy điều không hay. Ai chẳng có tính xấu, tôi nào ngoại lệ. Trong công việc, tôi quyết đoán và khắt khe. Nếu nhân viên sai một lần, tôi sẽ mời ra khỏi công ty, cho cơ hội từ chức hoặc sa thải. Trong hôn nhân, tôi biết không thể áp dụng quy tắc đó, nhưng tính tôi tự làm khổ mình. Nếu tôi biết tha thứ thì không có ngày hôm nay. Có lẽ tôi chưa đủ tốt, chưa hết lòng hoặc chưa biết yêu chăng? Từ những cuộc hôn nhân trước kia, tôi học được gì? Đó là sự nhẫn nhịn và tha thứ. Tôi có hối tiếc hay không những cuộc hôn nhân đã qua ư? Có chứ. Nhưng tôi không suy nghĩ về nó mà tập trung vào cuộc sống mới của mình.
- Trong chuyến thăm Mỹ đó, anh cho Phan Như Thảo những trải nghiệm nào khác?
- Đó cũng không phải lần đầu Thảo đến Mỹ, nên không thấy lạ lẫm. Trước đó Thảo đi Mỹ hai lần để dự các chương trình thời trang và thi hoa hậu. Ngoài Mỹ, Thảo đã đi nhiều nơi, hiểu nhiều về cuộc sống bên ngoài. Lần đó chúng tôi đi với Bồ Câu nên việc di chuyển nhiều nơi rất khó khăn do bé không chịu ngồi ghế an toàn, cứ đòi bồng trên tay.
Khi qua đó, Thảo còn tranh thủ học về thẩm mỹ với chế độ cấp tốc. Vì vậy, nhiều kế hoạch đi chơi phải hủy. Chúng tôi hẹn nhau bằng một kỳ nghỉ vòng quanh thế giới khi Bồ Câu đủ lớn và hết dịch Covid-19. Tôi đã kể cho Thảo nghe về những chuyến đi rong ruổi của mình như dành vài ba tháng lang thang khám phá ẩm thực, thăm các viện bảo tàng nổi tiếng, đi đến những nơi đã đi vào lịch sử bởi sự sai lầm của con người... Nhưng những nơi tôi đến chắn chắn sẽ không thú vị bằng những chỗ sau này tôi sẽ đi cùng Thảo và Bồ Câu.
- Anh thích kiểu trải nghiệm ngủ trong rừng giữa bầy thú hoang, còn Thảo thì sao?
- Thảo rất dễ tính. Chỉ tôi là khó tính mỗi khi nói đến chỗ ngủ. Ngày xưa, tôi theo Thảo đi quay phim. Chúng tôi chọn một khách sạn rất bình thường. Khi ấy, tôi đã tự đi mua đồ vệ sinh về lau chùi, khử trùng trước khi nằm xuống giường. Tôi cũng từ chối nhờ phục vụ phòng dọn dẹp mà tự tay làm mỗi ngày. Hơn một tháng chúng tôi ở đó, phòng không có một hạt bụi. Tôi nhớ khi cả hai trở về Sài Gòn, chiếc xe chở đầy chăn, gối, khăn tay... không thiếu thứ gì. Tôi tự làm khổ mình do mắc một căn bệnh có tên "perfectionist" (hội chứng cầu toàn) hoặc "obsessive compulsive disorder" (chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến người mắc trở nên quá sạch sẽ, cầu kỳ và khó tính).
- Anh có mấy người vợ Việt Nam?
- Tất cả những người vợ của tôi đều là Việt Nam.
- Từng đi khắp thế giới, tại sao anh chỉ chọn phụ nữ Việt Nam để gắn bó?
- Mấy lần tôi đã định cưới người phương Tây nhưng nghĩ lại thấy tiếng Anh nghe không tình cảm bằng tiếng Việt. Cũng có thể tôi không dành tình yêu cho những cô gái phương Tây bằng những cô gái Việt Nam. Người phương Tây thẳng thắn, mà thẳng quá thành tan nát. Phụ nữ Việt vẫn khéo léo hơn.
Tất nhiên, tiếng Anh cũng có một số câu nghe rất hay như "honey", "I love you". Tôi vẫn thích cách Thảo gọi tôi: "Honey, I love you".
Theo Ngôi sao