Ở miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hiện đang tồn tại gần 20 giếng cổ mang nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng đất này. Bởi vậy mới có câu: "Về Gio An mà không đi thăm giếng cổ thì xem như chưa về Gio An".
Độc đáo giếng cổ…
|
Giếng cổ nước trong veo không bao giờ cạn. |
Giếng cổ ở Gio An có nhiều tên gọi, mỗi tên có những nét văn hóa và bản sắc đặc trưng riêng như: Giếng Ông, giếng Bà, giếng Búng, giếng Gái, giếng Đào, giếng Trạng, giếng Pheo... Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm giếng cổ, anh Trần Bình, cán bộ UBND xã Gio An, huyện Gio Linh cho biết, các công trình được gọi là giếng ở đây không mang hình ảnh những chiếc giếng thường thấy ở những làng, xã nông nghiệp ở đồng bằng, mà người xưa đã biết tận dụng những mạch nước ngầm từ triền đồi ở những độ dốc khác nhau và sắp xếp việc hứng nước, lắng nước, dẫn nước, chứa nước, tiêu nước... theo ý đồ của mình bằng cách xếp đá, ngăn dòng, lập bể, khai mương...
Anh Bình cho biết thêm, theo khảo sát thì hệ thống những công trình khai thác nước của người Gio An xưa có 3 loại, tuỳ theo mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và mội nước (nguồn nước).
|
Anh Trần Bình - người luôn trăn trở về nỗi buồn giếng cổ. |
Loại một là giếng có cấu trúc hoàn chỉnh nhất và có thể xem đây là công trình khai thác nước ở những khu dân cư tương đối tập trung và có nguồn nước ngầm mạnh. Các khu vực sử dụng nước được phân định hệ thống rõ ràng: Bộ phận mặt bằng đựơc gia cố bằng đá xếp để bảo vệ mội nước; Bể lắng cũng được xếp đá, phần đáy bể được lót bằng nhiều vật liệu gốm sành (có lẽ đươc bổ sung sau này).
Nước từ đây sẽ chảy qua hệ thống máng, chân của máng nước được tạo gồ ra như một chiếc mộng đá cố định vị trí máng rất chắc chắn. Nước sẽ theo máng chảy xuống bể chứa, bể có thể rộng, hẹp tùy nơi và cũng được lót đáy bằng nhiều mảnh gốm, sành... thành bể được gè đá mồ côi. Độ sâu của bể chứa khoảng 30- 50 cm, dùng để lấy nước uống (vòi) và tắm giặt. Vùng dành cho gia súc có thể là nằm tiếp nối bể chứa, hoặc độc lập... Cuối cùng là hệ thống các mương dẫn nước được kè đá tưới tiêu cho nông nghiệp.
Loại hai là giếng có kết cấu đơn giản hơn nhưng nguyên tắc căn bản vẫn mang dạng cấu trúc gồm phần tầng đá gia cố, bể lắng và tràn vào hố chứa (không thông qua máng dẫn nước).
Loại thứ ba là giếng đào và đặt nổi lên những khối đá được chế tác thành hình trụ rỗng. Đây là kỹ thuật khai thác nước dựa trên nguyên tắc bình thông nhau: Các ống đá được xếp chồng và nâng mặt nước trong lòng giếng cao hẳn lên, tạo nên một độ chênh so với mặt bằng của mương dẫn, nước sẽ theo các lỗ khoét trên thành giếng để tràn ra ngoài.
Một loại hình di tích độc đáo
Theo tài liệu của Ban Quản lý và Di tích danh thắng thì sự độc đáo của các công trình cấp và lấy nước của người xưa thể hiện một nền văn minh nông nghiệp và về chế tác đá (những phiến đá lớn được chẻ, đục đẽo để làm ra những tấm đá vuông vắn kê lót để tắm giặt, những máng đá dẫn nước nặng hàng tấn được tính toán đặt một cách khéo léo và chắc chắn vào các gờ giếng, những khối đá lớn được đục rỗng lòng thành những khối hình trụ, đẹp và tinh xảo để làm bi giếng...). Ngoài các bản vẽ, khảo tả từng công trình đã được thực hiện công phu từ đầu thế kỷ XX do bà M.Colani thực hiện, sau này còn có nhiều nhà khảo cổ đã đến giếng cổ để tiếp tục nghiên cứu.
Riêng công tác đào thám sát lòng giếng, từ năm 1937 M.Colani đã cho tiến hành. Vào năm 1992 nhà khảo cổ học Lâm Mỹ Dung và các cộng sự đã tiếp tục công tác này... Hiện vật thu được ở các lòng giếng chủ yếu là các mảnh gốm, sành vỡ có nhiều niên đại khác nhau "loại gốm có chất liệu hơi thô, do nung không cao lắm, là loại gốm thông dụng của người Chăm cho đến những thế kỷ VIII - IX sau Công nguyên và muộn hơn nữa ..." (Lâm Mỹ Dung). Bà M.Colani giả thiết về chủ nhân của giếng cổ là ở phía biển Đông tràn vào những năm sau Công nguyên nhưng nó tỏ ra không thuyết phục trước các kết quả khảo sát của Lâm Mỹ Dung.
Chúng ta có thể thấy rằng, các mạch nước ngầm trong lòng đất có từ rất lâu đời và lớp cư dân đầu tiên và trước tiên rất có thể là những cư dân thời đá mới và sơ kỳ kim khí - cách chúng ta 5.000 - 7.000 năm. Trải qua một thời kỳ dài, đây chính là địa bàn cư trú của các dân tộc nói ngôn ngữ Môn Khmer. Họ có nguồn gốc Indonesien sinh tụ ở địa vực này từ lâu đời, suốt thời kỳ người Chămpa lập quốc trên địa bàn quận Nhật Nam thời thuộc Hán những thế kỷ đầu Công nguyên.
Với những khảo sát thực tế, chúng tôi cho rằng khả năng người Chăm trước năm 1306 đã khai thác các hệ thống giếng nước ở đây để phục vụ ruộng đồng trong điều kiện mật độ dân cư đang thưa thớt là rất ít. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người Việt sau năm 1306 đã tạo ra những xáo trộn, thậm chí va chạm ở những tộc người.
Xu thế ấy diễn ra tuy chậm nhưng đó là sự hoà tan hoặc dãn ra của người Chăm rời bỏ vùng cư trú màu mỡ ở đồng bằng để kiến tạo nên những vùng ruộng đồng ở các thung lũng và triền đồi ở miền Tây Gio Linh và các hệ thống nước từ đó mới bắt đầu được khai thác mang chức năng thuỷ lợi chứ không còn chỉ là chức năng sinh hoạt trực tiếp như những người Vân Kiều, Pa Cô đã từng sử dụng trước đó.
Việc làm chủ và khai thác các nguồn thuỷ lợi này diễn ra trong một tình thế mà người Chăm không còn là nhân dân của một Vương quốc đang tồn tại ở đây, nên chính vì vậy mà những di tích Chăm như đền, tháp, các kiến trúc hoặc những tác phẩm gốm nung... không có điều kiện thực hiện hay xây dựng, và nếu như thế sự vắng bóng các di tích Chăm ở đây là điều có thể giải thích được.
Nỗi buồn giếng cổ
Những giếng cổ, giếng làng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng và là một nét văn hóa đặc sắc của làng. Anh Trần Bình cho biết, ngày xửa ngày xưa, giếng đã được hình thành trên đất Gio An này. Nó có tuổi đời xưa hơn nhiều lần tuổi làng và có sức sống bền vững trường tồn qua năm tháng và chiến tranh. Giếng là chứng chỉ thời gian duy nhất còn lại để cho người đời sau biết rằng đã từng có sự tồn tại của những tộc người, của các nền văn minh xếp đá, đẽo đá tinh xảo như thế. "Giếng có sự linh thiêng huyền bí của nó. Nếu không, tại sao thời chiến tranh bom đạn dày đặc, mà có trái nào rơi trúng giếng đâu?", anh Bình nói.
Anh Bình còn cho biết thêm, chuyện nhỏ tưởng không ai để ý, nhưng khi quan sát xung quanh chỉ một cái giếng có tên là Giếng Đào thì mọi người mới ồ lên: Quả đúng là thế thật, tuyệt nhiên bom đạn đã chừa ra khu vực giếng, mặc dù xung quanh chỉ cách 5m trở ra là dấu tích hố bom, pháo vẫn còn nguyên dạng!? Có thể coi đó là điều may mắn chăng!? May mắn cho làng và may mắn cho một di sản.
Cách đây vài năm, khi chưa có hệ thống nước máy đưa về đến tận từng nhà, người làng vẫn lấy nước sinh hoạt, tắm giặt ở các giếng cổ. Người dân ở đây cho biết, những ngày ấy cực mà vui, sau một ngày lao động, bà con thường gặp gỡ nhau ở khu vực giếng, tắm giặt chung nhau dưới các máng đá, vòi nước. Thanh niên nam nữ đùa nghịch nhau cười chí choé, tiếng cười râm ran cả một vùng đồng, trao đổi với nhau bao nhiêu thứ chuyện xóm dưới, làng trên...
Tất nhiên có những giếng dành riêng đã được qui định và đặt tên từ xa xưa như: giếng Ông, giếng Bà, giếng Gái... nhưng cũng có những giếng dùng chung cho mọi người như: giếng Phường, giếng Đào, giếng Trạng, giếng Pheo... Những giếng dùng chung thường là những giếng đẹp cả về phong cảnh và qui mô, bởi thế nó chính là những địa điểm thu hút dân làng. Đi tắm mà phải chờ nhau, đợi nhau và đôi khi đi tắm cũng chỉ là một cái cớ để được gặp gỡ và hò hẹn...
Bây giờ khi nước đã được đưa về tận từng nhà, nhiều gia đình đã xây dựng cho mình những bể chứa nước riêng thì những buổi đi tắm giặt nơi giếng làng, giếng cổ đã trở thành kỷ niệm...
Đức Hoàng