Đòn tâm lý dụ dỗ người Việt sang Campuchia
Đánh vào tâm lý muốn kiếm công việc có thu nhập cao, không phải lao động nặng nhọc, không mất chi phí đi lại, kẻ xấu đã dụ dỗ rất nhiều lao động Việt sang Campuchia.
“Em chuẩn bị sang Campuchia. Anh, chị biết công ty nào ổn, nơi nào cần tránh không, cho em lời khuyên”, dòng tin được Trần Mạnh Dũng nhắn vào nhóm Hội người Việt Nam tại Campuchia với hơn 67.000 thành viên, tối 22/9.
Chỉ vài ngày trước khi cậu thanh niên này tìm việc xứ người, hơn 60 đồng hương khác phải tháo chạy tán loạn khỏi casino ở Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, dưới cơn mưa tầm tã. Họ đánh đổi mạng sống chỉ nuôi hy vọng được hồi hương.
Đến nay, nhiều người vẫn ôm mộng tới "miền đất hứa" mong được đổi đời, vì tin vào những lời chiêu dụ, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhiều tiền, không nặng nhọc.
Tin tưởng người quen
Dũng là một trong số rất nhiều người đăng tin lên các hội nhóm người Việt Nam tại Campuchia với mong muốn tới "miền đất hứa", dù biết nơi đây phức tạp. Dưới bài đăng, 2 luồng ý kiến trái chiều đưa ra lời khuyên cho nam thanh niên.
Tài khoản Xiao Baozi khuyên Dũng không nên sang Campuchia, vì rất dễ bị lừa đảo, bắt lao động cực khổ.
“Giờ chính quyền đang truy quét trò cá cược qua mạng. Nhiều người đang ở đây còn phải trốn qua nước khác. Tại sao bạn lại lao đầu vào?”, người này nhắn nhủ Dũng.
Một tài khoản khác cảnh báo: “Dù công ty uy tín, có giấy phép thì cũng là đánh bạc qua mạng thôi. Miếng thơm chẳng ai chia sẻ đâu. Lên đây hỏi coi chừng bị dụ”.
Dù công ty uy tín, có giấy phép thì cũng là đánh bạc qua mạng. Miếng thơm chẳng ai chia sẻ đâu.
Những lời tư vấn như trên là số hiếm trong những dòng bình luận dưới bài viết. Trái lại, nhiều người gửi hình ảnh người lao động đi lại tự do trong các khu phức hợp ở Campuchia, thông tin việc làm với mức lương không dưới 1.000 USD kèm theo hoa hồng. Chỉ cần Dũng đồng ý, sẽ có người tới tận nhà đón qua cửa khẩu mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Một công việc không nặng nhọc, đem lại mức lương đáng mơ ước với những lao động phổ thông.
Thực tế, nhiều người Việt cũng từng hồ hởi như Dũng, nhưng rồi phải vỡ mộng, thậm chí bị tra tấn, chích điện trên đất khách.
Thanh Thủy (27 tuổi, quê Điện Biên), lao động Việt được giải cứu ngày 22/8, nói với Zing dù đã đọc nhiều thông tin lừa đảo ở Campuchia, cô vẫn quyết định sang nơi này vì không có việc làm ở Việt Nam.
Sau đợt dịch Covid-19, cô thiếu tiền, rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Sau vụ tai nạn giao thông, chân của cô không thể đi lại nhiều để làm phụ quán như trước.
Một người bạn chơi chung nhóm giới thiệu công việc gõ máy tính với mức lương 1.200 USD. Để lấy lòng tin của Thủy, người này gửi nhiều video, hình ảnh một số người ngồi đánh máy trong văn phòng, ăn uống sau giờ tan ca với nhiều món ngon.
"Người giới thiệu là bạn quen biết nhiều năm nên tôi tin tưởng. Bạn nói công việc bên Campuchia nhiều lừa đảo, nhưng công ty bạn giới thiệu uy tín, hoạt động hợp pháp, không giam lỏng hay đánh đập ai", Thủy kể.
Tin lời bạn, cô đồng ý lên chuyến xe qua cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) và phải sống những ngày tháng như địa ngục trần gian. Công việc máy tính được giới thiệu thực chất là lên mạng dụ dỗ người khác chơi cá cược. Nếu không làm đủ chỉ tiêu, Thủy sẽ bị bán đi nơi khác.
Cô gái kể rằng mình ở cùng phòng với 3 người Việt Nam khác. Họ đều có điểm chung là cần tiền. Có người ngoài nợ nần còn nghiện rượu, tìm cách sang nước bạn để chạy nợ.
"Đi làm về tới phòng là tôi lên giường nằm, không dám giao tiếp với ai, cũng không biết tin tưởng ai. Vì bản thân tôi từng bị một người bạn lừa dối", Thủy kể, giọng đượm buồn.
Còn Thanh Xuân (18 tuổi, quê Bình Dương) thì qua Campuchia vì nơi đây gần nhà. Cô nghĩ nếu đường cùng cũng có thể bỏ trốn về quê được. Nhìn những người từng qua Campuchia và chia sẻ công việc ổn định, thu nhập cao có thể gửi về gia đình, Xuân ao ước có được mức lương tính bằng USD.
Ngoài ra, không phải bỏ bất cứ chi phí nào là tia hy vọng cuối cùng để cô gái này đổi đời. Với 200.000 đồng trong túi và vài bộ quần áo, cô gái nhanh chóng nhận lời sang Campuchia làm việc mà không thông báo với gia đình.
"Công ty tôi từng làm chỉ cách Việt Nam chưa tới 2 km, đứng trên lầu nhìn sang có thể thấy quê hương, nhưng không có tiền chuộc thân thì không còn cách nào để về", Xuân nói.
Xuân từng nghe những người làm chung kể người nào có ý định bỏ trốn hoặc chống đối có thể bị tra tấn, chích điện. Một số người từng làm chung bỏ trốn, sau đó không ai rõ tung tích họ ở đâu, chẳng may bị bắt lại hay may mắn được trốn thoát.
"Đến lúc được người thân chạy vạy khắp nơi gom tiền chuộc về, tôi chỉ còn đúng một bộ quần áo mặc trên người. Tất cả điện thoại, giấy tờ... mất hết", Xuân kể.
Bánh vẽ
Để hiểu rõ hơn về việc làm đầy hứa hẹn, Zing trong vai một người tìm việc làm liên hệ với một trong những người đăng tin tuyển dụng ở Campuchia.
Bày tỏ mong muốn sớm có việc làm để có tiền gửi về gia đình, nhưng lo ngại việc xuất ngoại sẽ bị lừa đảo, người này tư vấn tình hình ở Campuchia phức tạp, muốn sang phải tìm đúng người, đúng chỗ uy tín.
“Qua đây chỉ làm cờ bạc và lừa đảo, hình thức giống nhau. Nếu xác định qua thì làm với anh, chứ đừng nên tin ai. Nếu không sẽ không có đường về”, anh này trao đổi.
Ngoài những trấn an trên, người này đưa ra mức lương được nhận hàng tháng là 1.200 USD, chưa tính hoa hồng, công ty sẽ lo chỗ ở, ăn uống, ký hợp đồng làm việc 8 tháng. Tổng thu nhập một tháng sẽ ở mức 30-40 triệu đồng. Công ty có nhiều người Việt Nam.
Tuy vậy, công việc cụ thể thì không được thông báo, chỉ nói chung chung là làm chứng khoán, thương mại điện tử. Nếu không tin tưởng, người này sẽ gọi video để thấy công việc bên này.
Thấy chúng tôi chần chừ, người này liên tục nhắn tin cho biết muốn giúp đỡ vì cùng là người Việt. Nếu qua và làm tới Tết Nguyên đán về quê, có thể thu nhập được hàng trăm triệu đồng.
"Ở quê làm gì có nhiều tiền như vậy. Cơ hội chỉ đến một lần. Em không cần tốn phí nào cả. Chỉ cần đồng ý là qua đây làm", người này tiếp tục nói.
Đánh vào tâm lý muốn kiếm nhiều tiền, nhiều người Việt khi qua tới nước bạn mới ngỡ ngàng phát hiện mình bị bán từ nơi này qua nơi khác. Mức chuộc thân lên tới vài nghìn USD. Họ hoặc đánh cược mạng sống để bỏ trốn, hoặc tiếp tục làm việc dưới cảnh giam lỏng, khổ sai.
Những ai quyết định đi Campuchia làm việc hãy cân nhắc. Việc nhẹ lương cao chỉ là bánh vẽ.
Thanh Thủy
Ngày 23/9, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, Long An) tiếp nhận 34 công dân trở về từ Campuchia. Hai ngày trước, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh cũng tiếp nhận 92 công dân từ Campuchia về Việt Nam, trong đó có 71 người tháo chạy khỏi casino trước đó. Hơn tháng trước, 42 người Việt làm ở sòng bài Campuchia bị giam giữ đã liều mạng nhảy xuống sông thuộc địa phận An Giang, bơi về nước, sau đó một người bị nước cuốn tử vong,
Bộ Ngoại giao cho biết tổng cộng hơn 1.000 nạn nhân bị lừa đảo đến Campuchia lao động đã được cứu, riêng trong tháng 9 có khoảng 400 người.
"Những ai quyết định đi Campuchia làm việc hãy cân nhắc. Việc nhẹ lương cao chỉ là bánh vẽ để dụ dỗ những người mong nhanh kiếm tiền, không suy nghĩ kỹ", Thanh Thủy nói.
Truy tìm gã đàn ông nhận gần 2 tỉ đồng của nhiều người rồi bỏ trốn
Pháp luật - 1 giờ trướcGĐXH - Nguyễn Tuấn Ninh bị tố giác có hành vi nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện. Sau đó, Ninh bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền 1,75 tỉ đồng,
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Pháp luật - 2 giờ trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 4 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 4 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 4 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án
Pháp luật - 19 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961, trú phường Tây Lộc, TP Huế) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) về "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang
Pháp luật - 20 giờ trướcGĐXH - Một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, trong đó có những giấy tờ của lực lượng vũ trang nhằm mục đích lừa đảo vừa bị Công an quận Đống Đa triệt phá.
Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - 20 giờ trướcGĐXH - Lợi dụng tâm lý e ngại thủ tục hành chính và các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, các đối tượng tự nhận bản thân có các mối quan hệ nên làm được nhanh khiến nhiều nạn nhân "nhẹ dạ, cả tin" sập bẫy.
Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An
Pháp luật - 21 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra vụ việc một doanh nghiệp vàng bạc ở huyện Yên Thành mở sổ tiết kiệm như ngân hàng, huy động vốn của người dân.
Trốn thuế, một giám đốc công ty bị khởi tố
Pháp luật - 21 giờ trướcGĐXH – Công an tỉnh Lâm Đồng bước đầu xác định, trong quá trình kinh doanh, công ty do Lê Công Tuấn làm giám đốc đã có hành vi trốn thuế...
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.