Theo các chuyên gia, hành vi sinh sản của người Việt chuyển từ tính bản năng, tự nhiên sang có tính toán, đầu tư về chi phí, lợi ích. Bài toán chi phí đắt nhưng lợi ích giảm dần khiến nhiều người không sinh con hoặc sinh rất ít.
Quyết định sinh con dựa trên cân nhắc về giá trị của con cái
Trong nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hiện thực hóa số con mong muốn ở một số tỉnh có mức sinh thấp công bố tháng 8/2024, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, trong xã hội hiện đại, đa số gia đình mong muốn có 2 con hoặc ít hơn, nhưng số con thực tế thường bằng hoặc thấp hơn.
Mới đây, vị chuyên gia công bố kết quả một khảo sát 1.200 phụ nữ tại 4 tỉnh, thành ở phía Nam có mức sinh thấp gồm Khánh Hòa, TPHCM, Sóc Trăng, Cà Mau, cho thấy phần lớn người được khảo sát muốn có 2 con. Tuy nhiên, trung bình tổng số con dự định sinh là gần 2 con, thấp hơn số con mong muốn. "Tổng số con thực tế sẽ sinh" có thể thấp hơn đáng kể "số con dự định sinh".
Lý do “không định sinh nhiều con hơn” của phụ nữ 4 tỉnh/thành được khảo sát. Nguồn: Nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đức Vinh
PGS Vinh dẫn các lý thuyết về giá trị con cái cho rằng, con cái luôn đem lại những giá trị hay lợi ích nhất định cho cha mẹ từ việc sinh con và nuôi dạy con. Khi thấy những giá trị này càng quan trọng thì các cặp vợ chồng càng muốn sinh con và ngược lại. Sự phát triển kinh tế, xã hội dẫn đến thay đổi giá trị con cái và do đó làm biến đổi mức sinh.
Theo PGS Vinh, giới nghiên cứu xác định khá nhiều loại giá trị của con cái đối với cha mẹ, có thể tổng hợp thành 3 nhóm chính: Giá trị kinh tế và vật chất (sức lao động, an sinh khi về già) - Giá trị xã hội (uy tín, vốn xã hội) - Giá trị tinh thần và tâm lý (giữ gìn hạnh phúc, niềm vui, động lực sống). Xã hội hiện đại khiến các giá trị của con cái đều lần lượt suy giảm mạnh theo thứ tự nêu trên.
Các nghiên cứu ở Việt Nam và châu Á thường xác định 4 giá trị chính của con cái đối với cha mẹ gồm sức lao động cho hộ gia đình; An sinh, nuôi dưỡng khi về già; Nối dõi, thừa kế và Giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Theo một quan điểm khác, quyết định sinh đẻ con cái là hành vi được cân nhắc, tính toán giữa các giá trị con cái đem lại cho cha mẹ và những giá trị bị mất mát do sinh đẻ, nuôi dạy con cái.
"Cho dù các giá trị con cái là hiện hữu, nhưng nếu chi phí và những mất mát do sinh đẻ, nuôi dạy con cái quá cao thì các cặp vợ chồng vẫn có thể sinh ít hoặc thậm chí không sinh con", PGS Vinh cho biết.
Nỗi lo chi phí tinh thần về việc sinh con cao hơn lo chi phí vật chất
Trao đổi với VietNamNet , GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, thế hệ bước vào độ tuổi sinh sản cao nhất hiện là những người dưới 35 tuổi. Đây là thế hệ sinh ra sau đổi mới (từ sau năm 1986), thậm chí là từ năm 1990, lớn lên trong thời kỳ chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam rất mạnh.
"Nhưng họ cũng trưởng thành trong thời đại 4.0, Internet, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhiều thông tin. Thế hệ đó không có nhu cầu sinh nhiều con", ông nói.
Theo vị chuyên gia, một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam là hành vi sinh sản chuyển từ hành vi mang tính bản năng, tự nhiên sang hành vi có tính toán, đầu tư về chi phí, lợi ích.
Khái niệm chi phí này bao gồm cả vật chất và tinh thần. Trong chi phí vật chất , theo cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam mà GS Nguyễn Đình Cử và cộng sự tiến hành, 91% người được hỏi cho rằng chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao", gồm chi phí nhà ở, học hành, cuộc sống, y tế...
Chi phí kinh tế lớn, đo được, nhưng chi phí về tinh thần cũng rất nặng nề. 85% người dân được hỏi trong nghiên cứu của Giáo sư Cử đều bày tỏ như thế. "Từ khi có bầu thì lo con sinh ra bị dị tật, sinh con rồi lo con không khỏe mạnh, học tập không đến nơi đến chốn, không ngoan ngoãn, không tu chí lại sa vào tệ nạn... Con lớn hơn thì lo thất nghiệp, lo làm ăn thua lỗ... Nỗi lo chi phí tinh thần cao hơn chi phí vật chất", vị chuyên gia cho biết.
Người học vấn càng cao, có điều kiện kinh tế càng sinh ít con. Ảnh minh họa: Nam Khánh
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) cho thấy mức sinh trung bình của nhóm người “giàu nhất” là 2 con, trong khi nhóm người “nghèo nhất” 2,4 con. Nhóm người có mức sống “giàu” và “trung bình” có mức sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Nhóm người có trình độ học vấn dưới bậc tiểu học sinh có tới 2,35 con còn nhóm người trình độ trên THPT sinh 1,98 con.
Điều này có nghĩa là người học vấn càng cao, có điều kiện kinh tế càng sinh ít con. Nhóm đối tượng này yêu cầu cao về chất lượng của người con, đầu tư lớn cho con (như học trường tốt, học thêm nhiều, đi du học, lại tốn nhiều chi phí), chứ không quan tâm số lượng.
Về lợi ích, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, lợi ích kinh tế do người con mang lại ngày càng giảm, vì bố mẹ có lương hưu, người già tự đảm đương cuộc sống. Trong khi về lợi ích tình cảm, nhiều gia đình cảm nhận việc chỉ cần một hai người con là đủ.
"Phân tích vậy để thấy bài toán chi phí thì đắt nhưng lợi ích giảm dần khiến nhiều người không sinh con hoặc sinh rất ít", Giáo sư Nguyễn Đình Cử nói.
Mang thai khiến hệ miễn dịch mẹ bầu suy giảm, dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Tăng cường đề kháng và chăm sóc sức khỏe đúng cách giúp mẹ và thai nhi luôn an toàn.
GĐXH - Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng, việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc được xác định là một trong những giải pháp chiến lược để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất. Vậy ung thư vú có di truyền không và làm cách nào để tầm soát ở giai đoạn sớm?
Tắc tia sữa, nứt núm vú là tình trạng phổ biến, gây đau đớn và ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, chỉ với vài thói quen chăm sóc ngực đơn giản mỗi ngày, mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả.
Viêm tuyến vú không những gây khó khăn, đau đớn khi cho con bú mà còn dễ có nguy cơ nhiễm trùng áp-xe vú nếu không được điều trị kịp thời. Vậy mẹ có nên cho con bú khi bị viêm tuyến vú không?
Ung thư tuyến tiền liệt thường xuất hiện với những triệu chứng khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe ít nghiêm trọng hơn. Đừng bỏ qua những 10 dấu hiệu dưới đây, bởi việc phát hiện sớm có ý nghĩa quyết định trong điều trị.
GĐXH - Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.