Những thương hồ cuối cùng trên đất phương Nam
Từng vang bóng một thời khắp Nam kỳ Lục tỉnh, nhưng giờ đây những thương hồ đất phương Nam dần biến mất vì mưu sinh nhọc nhằn cả đời vẫn không đủ chén cơm đạm bạc chốn phồn hoa.
NHỮNG THƯƠNG HỒ CUỐI CÙNG TRÊN ĐẤT PHƯƠNG NAM
4h sáng, khi chiếc ghe Tân Hoàng Long chầm chậm lướt vào dòng Kênh Tẻ, trời đất còn chưa sáng tỏ, Tư Nhỏ (29 tuổi, Chợ Lách, Bến Tre) đã lục đục dậy tắm rửa, kiếm miếng ăn sáng rồi chuẩn bị cho ghe cập bến.
Đúng 5h, con gà trống đứng ở mui ghe cất tiếng gáy, cả bến cảng như bừng tỉnh. Ngay lập tức, chợ nổi sáng đèn. Từng chiếc ghe, xuồng từ bốn phía hiện ra.
- Chuối đẹp hén, giá nhiêu?
- Trời đất, mối mần ăn mấy năm rồi mà chị Ba cứ hỏi, giá y chang hôm qua!
- Cam sành 5 đồng bán mở hàng lấy hên đi Tư Nhỏ?
- Ép giá rẻ tui chi vậy dì Út, 8 đồng.
- Hôm nay hàng xấu dữ, chuối hột 4 nải 9 đồng lấy luôn đi Tư?
- Quay lại đây, tôi lấy 10 đồng.
Trong khi vợ bán hàng, chồng cô - Sáu Liêm, lặng lẽ tung hứng từng buồng chuối, buồng dừa sang cho khách.
Mặt trời vừa lên khỏi đọt sào thì ghe hoa quả của vợ chồng Tư Nhỏ đã bán hết 3 phần. Vừa ngồi kiểm lại tiền hàng, cô gái quê An Giang vừa tủm tỉm khoe chồng: “Ảnh đen đúa nhưng mồm miệng có duyên, cái tánh thiệt thà, mặt mũi vui vẻ nên mua mau bán đắt lắm”.
Đáp lại lời vợ, Sáu Liêm nhỏ giọng hiền khô: “Trên bờ hết đường mưu sinh mới chọn lấy nghiệp này. Đời buôn hồ nay đây mai đó, không biết đâu là bến bờ, lênh đênh như cánh lục bình trên sông”.
Nhọc nhằn đời thương hồ đất phương Nam
Cách đây chừng 45-50 năm, nghề chở ghe hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn - Chợ Lớn rất phát triển. Với khoảng 18.000 km chiều dài sông rạch đan xen chằng chịt như mạng nhện, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp địa danh mang tên Bến Bạ.
Bạ nghĩa là ở đậu ở bạ, thiếu căn cơ, ăn xổi ở thì, “thóc đến đâu bồ câu đến đó”.
Dân tứ chiếng gặp nhau, họp lại thành từng đoàn, thi thoảng gặp nơi thuận tiện liền neo đậu lại ăn uống, nghỉ ngơi đôi ba hôm rồi nhổ sào đi tiếp. Đoàn người này chưa đi, đoàn người sau đã tới, bãi sông lúc nào cũng đông đúc xuồng ghe.
Thế rồi mọc lên vài tiệm hàng xén, vài căn nhà xây dựng tạm bợ. Sau nữa thành một xóm nhà, rồi lập thành Bến Bạ.
Những khu chợ nổi tự phát “vang bóng một thời” ở Lục tỉnh Nam Kỳ chủ yếu để giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa và những sản vật cây nhà lá vườn. Có thể kể tới như Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Lục Sĩ Thành (Vĩnh Long)...
Cũng vào những ngày ấy, tại Chợ Lách (Bến Tre), không ai không biết nhà ghe Tân Hoàng Long. Chẳng thể nhớ nổi nhà ghe này có từ thời nào, nhưng dân trong vùng biết tới tiếng tăm của ông Đặng Nhân Đức và bà Đặng Thị Bạch Tuyết.
Hồi đó, đường bộ khó khăn, đi ghe là phương tiện dễ dàng và thuận tiện nhất. Những chiếc ghe đủ nhỏ để tấp vào nhà vườn lấy hàng, nhưng cũng đủ sức chạy xuôi theo các con rạch ra sông cái, từ đó đi tiếp lên Sài Gòn.
Thời điểm này, những người chạy ghe thường là các thương gia giàu có, sở hữu của ăn của để.
Thời gian trôi đi, đường xá rộng mở, xe tải nhiều hơn, phương tiện vận chuyển đa dạng hơn, những ghe hàng dân mất khách, trụ không nổi. Phần lớn ế ẩm quá phải dừng chạy, hoặc chuyển nghề.
Năm 2013, ông Nhân Đức bị té xe gãy chân, chấn thương sọ não, trí nhớ lúc có lúc không, gia đình bắt đầu sa sút nhiều. Trong 5 người con, theo ghe này giờ chỉ còn chị Đặng Thị Quyên Phương và con rể - anh Lê Tuấn Khanh (sinh năm 1978), nhưng cũng không còn trực tiếp buôn bán mà chỉ chở hàng cho lái và làm nơi bày bán hàng cho chủ vườn.
Cách lấy hàng của thương lái miền sông nước
Đều đặn mỗi tháng 5 tới 7 lần, vợ chồng anh Khanh chạy ghe từ Nhuận Phú Tân - Mỏ Cày Bắc, Bến Tre qua Thanh Bình theo rạch phân chia Bến Tre - Vĩnh Long, rồi tiếp qua Chợ Lách, ra sông Tiền, qua cồn Thới Sơn, đến thị trấn Chợ Gạo. Từ đây, ghe chuyển qua nhánh sông Vàm Cỏ (Long An), rồi qua sông Cần Giuộc, rẽ vào rạch Long Kiểng, đi thẳng đến bến hàng ngay chân cầu kênh Tẻ, bên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM).
Trên đường đi, ghe đến tận vườn lấy đủ các loại dừa, gấc, xoài, tắc, bưởi, chuối... Cứ đi ngang mỗi nhà thì tấp lại để chuyển hàng lên, có gì lấy đó, rồi chủ vườn sẽ đi cùng lên Sài Gòn để tự bán hàng.
Chị Phương, vợ anh Khang, nhận nhiệm vụ thống kê danh sách nhà vườn và số lượng hàng hóa: Chị Thủy Be 6 cần 112 chuối, chị Thủy Phương 7 cần 2 rổ 40 chuối, dì Năm Hây 4 cần 4 rổ 57 chuối, anh Vàng 10 cần 220 chuối…
Người phụ nữ tầm 50 tuổi này giải thích: Cần là giỏ, không cần biết số lượng nhiêu, cứ trọn trong một cần thì tính một giá, vì chiếm cũng chừng đó chỗ trên ghe, còn chuối tính số lượng bằng buồng.
Mỗi chuyến đi như vậy, sau khi trừ hết tiền xăng dầu, bãi đậu, nhân công thì nhà ghe còn lời khoảng năm đến bảy triệu.
Đời lục bình trôi
Trên chiếc ghe có khoảng 15 tới 18 chủ vườn, tùy chuyến: chị Vân, Chị Mai, dì Lặc, dì Hai, chị Thủy Đạm, chị Quyên, anh Vàng, anh Vũ…. mỗi người một cuộc đời, một câu chuyện vui buồn.
Hành trình 19 tiếng lênh đênh trên kênh rạch, các chủ vườn sau khi sắp xếp hàng hóa gọn gàng thường dành thời gian để ngồi trò chuyện cùng nhau. Nào là chuyện con Thủy vợ thằng Lưu sức khỏe yếu không đi bán được, bắt chồng phải sắm vai phụ nữ tần tảo đi buôn thúng bán bưng nuôi con; chuyện hàng xóm láng giềng cãi nhau; chuyện con Thu bỏ đi ghe lên Sài Gòn làm tóc; chuyện con Hai bỏ nhà đi theo trai; đến chuyện bà Bảy Bụt mất, người trong xóm quý mến đi thăm đám dài dằng dặc....
Trò chuyện chán rồi ghe vẫn chưa tới, thì người bấm điện thoại nhắn tin hỏi thăm chồng con, người nằm nhìn sông nước, người khác chìm vào giấc ngủ chập chờn.
Nếu lái ghe thường là đàn ông, thì chủ vườn phần nhiều là phụ nữ. Mỗi chị phải tự khiêng những sọt trái cây nặng hàng chục kg, tự tìm chỗ sắp xếp trên ghe bày bán sao cho đẹp mắt, thu hút khách.
Nhà ghe sẽ lo nấu nướng ăn uống cho các chủ vườn, rồi thu mỗi bữa ăn đạm bạc gồm cơm, cá kho, một món xào, một bát canh khoảng 15.000 đồng.
“Đời thương hồ cực khổ. Nhiều người không biết cứ nghĩ nghề này phóng khoáng. Nhưng mỗi bát cơm đều phải đánh đổi bằng mồ hôi. Không có sức không làm nổi. Hết cách sống mới phải làm nghề này”, anh Đặng Quốc Lưu, thuyền trưởng của ghe nhà Tân Hoàng Long, nói.
Chợ nổi trên sông lúc tảng sáng
Ghe cập bến lúc tảng sáng, các chủ vườn bắt đầu dậy đánh răng rửa mặt, ăn vội gói mì để chuẩn bị bán hàng. 5h ghe cập bến cầu cảng. Lúc này hàng trăm người đã chờ sẵn trên bến, có thương lái, bốc vác, có nhà xe chở hàng đợi sẵn, không khí náo nhiệt bắt đầu.
Những bạn hàng và thương lái ùa xuống tàu để coi hàng, chiếc ghe bỗng trở nên chật chội với gần trăm con người cùng chen chúc. Có mối thì đã thỏa thuận trước nên chỉ việc cho nhân viên bốc vác hàng hóa mà thôi. Có mối lại xuống trả giá từng sọt trái cây một, mối khác đi tìm bạn hàng mới.
Người nào bán hàng nhanh thì tiền trao giao, nhét tiền vội vào lưng quần rồi cười tươi vồn vã cảm ơn. Còn có người trả giá mãi không mua, hai bên dùng dằng, bực dọc có khi quát tháo, giận dỗi bỏ đi.
"Có mối dù quen nhưng vẫn hay trả giá để mong có giá thấp. Giá thấp đến mức tức nói không được. Nhiều khi buồn vì mất nhiều công sức chuẩn bị hàng đẹp bán, nhưng bị ép giá rẻ như cho", chị Nguyễn Thị Vân (52 tuổi, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) kể.
Chính vì vậy vài năm nay, khi kinh tế khá hơn, chị không bán trên ghe mà thuê hẳn mặt bằng trên đường Nguyễn Khoái (quận 4). Số chuối, cam, bưởi, xoài khoảng 2 tấn mỗi lần ghe chở lên chị gắng bán trong 2 ngày, vì đây là hạn ghe neo đậu, phải bán xong để kịp về theo.
Mỗi lần như vậy, chị tốn 900.000 đồng tiền ghe, 300.000 đồng tiền chở hàng, 400.000 đồng tiền khuân vác, 600.000 đồng tiền xe chở hàng, 3,5 triệu tiền thuê mặt bằng.
Cũng thuê mặt bằng nhưng buôn bán “cò con”, chị Tuyền (30 tuổi, Vũng Liêm, Vĩnh Long) bán dừa và chuối ở đường Đoàn Văn Bơ (quận 4). Mỗi lần ra cổng chị phải trả 50.000 đồng, thuê xe chở dừa 150.000 đồng, thêm 500.000 đồng tiền ghe. Nếu bán hết hàng, trung bình chị lời khoảng 500.000 đồng.
“Đời buôn bán trên sông nhiều nỗi buồn tủi lắm. Khổ nhất là bị ép giá. Một quầy chuối cau 4 nải bị ép còn 4.000 đồng, cam sành trái to mua còn 5.000 đồng/kg, bưởi da xanh họ nói 15.000 đồng/kg. Mà thường là ghe chỉ neo hai ngày sau đó về. Có nhiều người đợi buổi cuối trước khi ghe về quay lại ép giá, lúc đó có rẻ mấy cũng phải bán, vì đem về còn lỗ hơn”, chị Tuyền ấm ức.
Cuộc sống khó khăn, chuyện buôn bán không còn thuận lợi như xưa. Đường bộ thông thoáng hơn, xe tải có thể chạy tới tận rẫy mua hàng của nông dân, hàng hóa chuyển tới chợ rất nhanh, tiểu thương đến mua không phải vất vả đi xuồng ra sông, những bạn hàng chuyên đi ghe không cạnh tranh nổi với đồng nghiệp trên bờ.
“Trước đây mỗi chuyến đi lời năm, bảy triệu. Giờ có chuyến tiền cũ đổi tiền mới, có khi còn lỗ vốn. Không biết tổ nghề còn đãi mình đến bao giờ”, chị Vân ngậm ngùi.
Chủ vườn khổ là vậy, phận mối cũng đầy thương đau. Cả cái bến cảng Tôn Thất Thuyết (quận 4) ai cũng biết bà Năm bán đu đủ. Cứ khoảng 5h sáng, bà lão đi chiếc xe đạp cà tàng cũ rích ra bến đợi ghe lấy đu đủ đi bán. Xe đạp không để chạy mà để treo hàng và đẩy cho bớt nặng.
Bà tên thật là Võ Thị Bạch Liên (70 tuổi, quê ở Bạc Liêu) đẩy xe đạp bán trái cây dạo nhiều năm nay ở khu Đề Thám, Phạm Ngũ Lão... Người phụ nữ trầm ngâm lạc giọng khi nhắc về gia đình.
Xuất thân trong một gia đình làm ruộng nghèo ở Bạc Liêu, thời chiến tranh, ông ba đi lính bị bắt rồi đày ra Côn Đảo, trong một lần lao động khổ sai bị cây ngã đè chết.
Mẹ bà bị bệnh nan y, nằm liệt một chỗ vài năm rồi cũng qua đời. Từng ấy năm cũng là từng ấy thời gian bà Liên một mình bươn chải kiếm sống qua ngày. “Bà không mong gì, chỉ mong có sức khỏe để làm việc thôi con ơi”.
ĐỜI CON TIẾP NỐI ĐỜI CHA
Cả đời lênh đênh trên sông nước, nghề buôn hồ cực nhọc, vất vả và lắm ưu tư. Nhiều đứa bé vài tuổi đã theo cha mẹ xuống ghe chạy dọc dòng sông buôn bán. Có nhiều nhà phải gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc, mấy tháng tranh thủ lấy hàng mới được ghé thăm. Không ít nhà may mắn đăng ký cho con vào lớp học tình thương dọc các Bến Bạ.
“Nhiều lúc em nhớ tụi nhỏ phát khóc, muốn ở bên con để tiện chăm sóc. Nhưng cái ghe tềnh toàng cũ kỹ, mùa nắng thì nóng như chảo lửa, mùa mưa thì dột nát, mấy đứa nhỏ không biết sống sao”, Tư Nhỏ, mẹ của một đứa bé 3 tuổi, một đứa 1 tuổi rưỡi, vừa khoe ảnh con, vừa kể.
Lấy vội hai cây sào cắm xuống nước để neo ghe, anh Năm (48 tuổi, Mỹ Trà, Đồng Tháp) túm hai sợi dây vàm chạy lên bờ để buộc vào trụ cây trên bến. Xuồng lớn ngược chiều ào qua, chiếc ghe tròng trành mấy lượt, thằng cu con chưa đầy 3 tuổi té nhào xuống sàn.
“Anh chị lấy nhau, được 4 mặt con. Sau mấy năm làm ruộng mất mùa, cả nhà lên chiếc ghe cũ mua bằng tiền vay mượn để bán khoai trên các sông rạch. Sáng nào cũng thế, hai đứa lớn theo cha phụ việc vặt. Hai thằng út theo mẹ bán khoai. Một buổi trưa cách đây 3 năm, thằng áp út xuống ghe rồi không còn lên bờ nữa. Thằng nhỏ nghịch nước té xuống sông, hai tiếng sau người ta mới đưa được nó lên…”, người cha lặng kể, bỏ lửng câu nói.
12 năm qua, lúc nào vợ chồng anh cũng nghĩ đến việc dành tiền để mua miếng đất trên bờ, chấm dứt cảnh sống lênh đênh, nhưng cứ hết chuyến đi này đến chuyến đi khác, tiền lời trong túi cứ cạn dần.
Cũng chen chúc giữa những chiếc ghe bán hoa quả dưới cái nắng gắt, giữa tiếng mời gọi bán hàng là thuyền của vợ chồng Bảy Phi. Chiếc ghe vỏn vẹn chưa tới 10 m2 là nơi trú ngụ của bà Mỹ Hoa, mẹ Bảy Phi, đôi vợ chồng, cùng hai đứa trẻ con. Thi thoảng, 5 người lớn bé lại thay nhau tát nước vì ghe đã thủng. Phía dưới nước dâng, phía trên mưa dột. Mái ghe lợp bằng lá cũng đã mục nát.
Sông nước đã gắn chặt cuộc đời của ba thế hệ nhà bà Mỹ Hoa. Từng nhiều lần bàn tính cùng nhau lên bờ, thoát khỏi kiếp lục bình trôi, nhưng mùi sông nước vẫn níu chân cả gia đình.
Để mặc vợ bận rộn bán chuối và mẹ già tiếp khách, anh Bảy Phi lui cui nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa giữa tiếng nổ phành phạch của máy đuôi tôm. Trước mũi ghe, chiếc áo học trò của cô con gái đã ngả vàng do được giặt bằng dòng nước nặng phù sa. Đám lục bình trôi dạt vướng vào thân ghe, đóng rêu xanh rì...
“Hai con nhỏ đi học lớp tình thương, rồi được xin vào trường gần Bến Bạ, năm nào cũng được học sinh giỏi. Nhưng buôn bán bữa đói, bữa no, không dám mơ các cháu được đi học lên cao”, bà Mỹ Hoa tâm sự.
Theo Hải An - Ngân Giang
Zing
Đồng Hồ Hải Triều - Cửa hàng đồng hồ đeo tay cao cấp
Sản phẩm - Dịch vụ - 11 giờ trướcVới kim chỉ nam mang sự an tâm về chất lượng đồng hồ đeo tay và dịch vụ chuyên nghiệp, Hải Triều không ngừng nâng cao 4 yếu tố khiến khách hàng tin tưởng.
Diễn biến giá đất nền tại Đan Phượng, Hà Nội những tháng cuối năm 2024
Giá cả thị trường - 11 giờ trướcGĐXH - Cùng chung tốc độ tăng giá của các khu vực trung tâm, giá đất nền ngoại thành Hà Nội nói chung, tại huyện Đan Phượng nói riêng những tháng cuối năm 2024 cũng ghi nhận sự tăng giá.
Nhiều người sẵn sàng chi vài chục triệu đồng 'đập hộp mù' chỉ để mong tìm thấy thứ này
Xu hướng - 13 giờ trướcGĐXH - Trào lưu xé túi mù chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhiều người trẻ sẵn sàng chi 3-4 triệu đồng/tháng chỉ để tiếp tục được 'đập hộp mù' với hy vọng sở hữu Labubu phiên bản 12 con giáp.
Chủ cũ sửng sốt khi căn nhà mới bán được hơn nửa năm đã tăng giá gần gấp đôi
Giá cả thị trường - 13 giờ trướcHồi tháng 4 năm nay, căn nhà trong ngõ nhỏ, ô tô không vào được bán với giá 1,9 tỷ đồng. Đến nay, chủ cũ phát hiện căn nhà đã được chủ mới bán với giá 3,7 tỷ đồng.
Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 21/11/2024
Sản phẩm - Dịch vụ - 13 giờ trướcGĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Năm ngày 21/11/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.
Nhiều người mắc bẫy lừa đảo qua tin nhắn mời vay tiền
Bảo vệ người tiêu dùng - 16 giờ trướcGĐXH - Hiện nay, các hình thức lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo, người dân nên hết sức cảnh giác trước những lời mời vay tiền qua tin nhắn không rõ nguồn gốc.
Giá iPhone 16, iPhone 16 Pro Max mới nhất giảm mạnh sau 2 tháng xuất hiện, hút khách Việt dịp cuối năm
Giá cả thị trường - 16 giờ trướcGĐXH - Giá iPhone 16 các dòng bắt đầu giảm mạnh sau 2 tháng ra mắt hút khách Việt dịp cuối năm.
Hà Nội: Gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội sắp đi vào hoạt động, người dân sẽ được ở chung cư khang trang giá tốt
Giá cả thị trường - 19 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành từ nay đến năm sau. Theo đó, người dân sẽ có nơi ở khang trang, giá tốt.
Loạt ngân hàng tung lãi suất trên 7%: Gửi tiết kiệm 2 tỉ đồng 13 tháng nhận bao nhiêu tiền lãi?
Giá cả thị trường - 19 giờ trướcGĐXH - Lãi suất nhiều ngân hàng niêm yết ở mức cao, lên đến 7-9,5%. Tuy nhiên, để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
Giá vàng hôm nay 21/11: Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Doji tiếp tục tăng sốc, sẽ sớm quay lại mốc lịch sử?
Giá cả thị trường - 20 giờ trướcGĐXH - Giá vàng hôm nay ở vàng miếng SJC và nhẫn trơn giá mua vào tăng cả triệu đồng, bán ra đắt thêm 500-700 nghìn đồng/lượng.
Lịch cúp điện Kiên Giang từ 21 – 24/11/2024: Cúp điện cả ngày dài hàng loạt khu dân cư và tuyến đường
Sản phẩm - Dịch vụGĐXH – Theo thông báo lịch cúp điện của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong tuần nhiều khu dân cư và đơn vị thuộc Kiên Giang sẽ mất điện cả ngày.