Hà Nội
23°C / 22-25°C

'Với tôi trở về Việt Nam làm việc là lựa chọn tốt'

Thứ sáu, 13:00 01/04/2016 | Xã hội

Tiến sĩ Trần Đình Phong, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) vừa có nghiên cứu công bố trên tạp chí số một thế giới về khoa học vật liệu Nature Materials, với việc tìm ra cấu trúc và cơ chế hoạt động của một chất xúc tác thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim.

Trong buổi trò chuyện, TS Phong hay dùng từ “nói thật”, và những câu cảm thán như “Không tệ lắm, phải không?”. Anh không ngần ngại nói ra những lần… thi trượt và lý giải nguyên nhân sự trở về của mình sau thời gian dài học tập và làm việc tại Pháp và Singapore.

TS Trần Đình Phong (Ảnh: Văn Chung)

Đi lâu quá rồi nên tôi muốn về

Tại sao anh quyết định về Việt Nam khi đã và đang làm việc ở những nơi có điều kiện nghiên cứu khoa học tốt như Pháp, Singapore…?

- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trở về của tôi như yếu tố gia đình, nhưng chủ yếu là yếu tố công việc, vì thực sự là tôi nghĩ đã đến lúc tôi trở về.

Trước khi về, tôi có khoảng 6 tháng đi lại tìm hiểu cơ hội công việc ở Việt Nam. Tôi có liên hệ và gửi email xin việc tới thầy hiệu trưởng USTH GS. Patrick Boiron, thầy hiệu phó GS. Lê Trần Bình, với GS Ngyễn Quang Liêm là Viện trưởng Viện khoa học vật liệu. Các thầy đều nói về Việt Nam khó khăn nhưng không phải không có điều kiện để làm. Tôi cũng thấy tương lai có triển vọng nên về.

Sau khi về, trong một thời gian rất ngắn tôi cũng đã có một lab (phòng thí nghiệm) nho nhỏ, chắc chắn là không thể bằng lab ở bên Singapore. Nhưng tôi nghĩ rằng từ từ tôi sẽ có được. Với lại, tôi đi đã lâu quá, 11 năm rồi, tôi muốn về.

Anh có phải đắn đo nhiều trước khi quyết định trở về không?

- Trước khi về Việt Nam, ở Singapore tôi không phải là giáo sư mà chỉ là nghiên cứu viên. Nghiên cứu viên ở đó có hạn chế là không được phát triển lab một cách độc lập, phải phát triển dưới một giáo sư nào đấy nên không được tự đi xin tiền tài trợ nghiên cứu, tự đi thuê người…, tự do nghiên cứu hơi bị hạn chế.

Cạnh tranh ở nước ngoài căng thẳng lắm. Tôi cũng có 7 - 8 năm kinh nghiệm sau tiến sĩ, nhưng xin một chân giáo sư không đơn giản, bị trượt nhiều lắm.

Anh cảm thấy như thế nào mỗi khi nhận được tin trượt chức danh giáo sư ở những nơi mong muốn?

- Đó là cuộc chơi mang tính cạnh tranh rất cao mà bạn. Bao giờ cũng thế, một chân giáo sư trống phải có khoảng 200 – 300 hồ sơ xin. Mình được gọi vào đội đi phỏng vấn tức là nhóm 4 – 6 người cuối cùng thì cũng không tệ lắm, phải không?

Nhưng lần nào cũng nhận được cái thư kiểu “Rất cảm ơn nhưng ông không được chọn …” thì cũng quen ấy mà. Vì thực ra nhiều khi mình trượt không phải vì mình kém so với các đồng nghiệp khác mà vì hướng nghiên cứu của mình không phù hợp với hướng phát triển ở khoa người ta chẳng hạn.

TS Trần Đình Phong bên mô phỏng nghiên cứu của mình (Ảnh: Văn Chung)

Phía Việt Nam, mà ở đây là USTH, đã đề nghị anh những điều kiện gì?

- Tôi hiểu là Việt Nam chưa có điều kiện như người ta nên cũng cân nhắc, chỉ đề nghị xin những thứ thực sự cần thiết. Mục tiêu của tôi là phấn đấu làm được khoảng 70% những thí nghiệm mà tôi muốn ở Việt Nam trong lab của tôi và lab của các đồng nghiệp trong Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Còn 30% nữa, tôi thực sự có thể tìm những đồng nghiệp quốc tế hợp tác làm giúp.

Tôi làm việc trong lĩnh vực này cũng hơn 7 năm rồi, biết được chút ít các nhóm khác làm gì. Tất nhiên cũng phải nói thật ở độ tuổi và tầm của tôi thì nói một cách nghiêm túc là tôi chẳng dám viết thư cho những nhóm “big name” (tên tuổi lớn) thật sự nổi tiếng từ MIT, Caltech,…, vì viết chắc họ cũng không đọc. Nhưng những nhóm lớn ở Tokyo, Singapore hoặc ở Pháp tôi tự tin có thể trao đổi thí nghiệm với họ và họ sẵn sàng dành thời gian cho nghiên cứu của mình, hợp tác với mình.

Anh có đặt ra mục tiêu sẽ sớm tới ngày tự tin viết thư có các “tên tuổi lớn”?

- Cũng có thể chứ. Tôi vẫn nói với sinh viên là trong 3 – 5 năm tới mà có bài đăng Nature Materials với phần lớn tác giả là từ lab của tôi ở USTH và một vài tên ở bên ngoài, thì cũng không tệ lắm phải không?

Khoa học vật liệu là một ngành rất nên học

Từ học sinh chuyên trường tỉnh đến bài đăng trên Nature Materials là con đường như thế nào, thưa anh?

- Bình thường tôi rất ít gặp may mắn trong công việc, đi thi trượt nhiều lắm. Nhưng tôi có cái may mắn là khi làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Trung tâm Năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế Pháp (CEA-Grenoble) tôi gặp đúng thầy.

Hai năm 2009 và 2010 là hai năm rất đẹp của tôi, khi được làm việc trong phòng thí nghiệm của Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, GS Marc Fontecave, và có người hướng dẫn trực tiếp là TS. Vincent Artero. Cả hai là những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu mới cho điều chế nhiên liệu sạch từ năng lượng mặt trời.

TS Trần Đình Phong (Ảnh: Văn Chung)
TS Trần Đình Phong (Ảnh: Văn Chung)

Ở phòng thí nghiệm GS Marc Fontecave có điều rất hay là mọi người đánh giá nhau rất cao, tôn trọng nhau. Họ không bao giờ nhận xét kiểu như ý tưởng của anh kém, không hay…, mà bao giờ cũng dùng “Ý tưởng của anh rất độc đáo” – hiểu theo nghĩa không giống ý tưởng của tôi.

Áp lực rất cao nhưng lại rất thoải mái. GS không thúc ép làm đến 9. 10 giờ đêm mà chỉ nói nhóm nọ nhóm kia vừa làm được những cái như thế, mọi người hãy nghĩ xem chỗ nào còn kém trong các nghiên cứu đấy… Họp với ông rất đau đầu, nhưng họp xong rất vui. Thực sự sau hai năm đó tôi trưởng thành rất nhiều

Mọi người cứ thúc đẩy nhau làm việc như thế, và không khí làm việc rất tốt. Bây giờ tôi vẫn thực sự nhớ không khí đấy, và cũng muốn tạo ra không khí này cho các bạn trẻ sinh viên ở USTH.

Điều may mắn tiếp theo là khi làm việc trong lab của GS. Marc Fontecave tôi quen với GS James Barber là người tìm ra cấu trúc của trung tâm oxi hóa nước trong hệ quang hóa II (PSII) trong lá cây xanh.

Năm 2011, tôi về Singapore làm việc với GS. Barber ở Trường ĐH Công nghệ Nanyang khi GS. Barber mở phòng thí nghiệm nghiên cứu nhiên liệu sạch ở đây. Gần 5 năm làm việc với GS Barber, về mặt khoa học tôi có cơ hội được phát triển độc lập các nghiên cứu mà tôi mong muốn.

Vì vậy, khi về Việt Nam tôi có cảm giác an tâm là mình có đủ sức phát triển độc lập ở một trình độ có thể cạnh tranh được với các đồng nghiệp trong khu vực. .

Không khí thúc đẩy đó anh có tìm được ở Việt Nam không?

- Tôi thấy ở đây cũng tốt chứ. Trước khi tôi quyết định về Việt Nam, GS. James Barber có đùa tôi “Tôi rất ngạc nhiên vì anh đang ngồi trên cái thảm bay mà lại nhảy vào lửa”.

Tôi có nói đùa ông ta rằng “Tôi ngồi thảm đang bay nhưng đó là thảm của ông, không phải là thảm của tôi. Tôi nhảy vào lửa, đó là lửa của tôi chứ không phải lửa của ông”.

Cũng nhiều người cũng nói về Việt Nam sẽ rất khó khăn, không làm được nghiên cứu khoa học đâu. Có thể mới về tôi chưa có cảm giác đó, và hiện giờ tôi thấy không khí rất tốt. Ai đã từng ở bên ngoài đi xin tiền tài trợ nghiên cứu đều biết là không đơn giản. Tất nhiên về Việt Nam lương thấp hơn nhiều, nhưng mức sống cũng khác, đúng không?

Nhưng có thể các bạn đồng nghiệp tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi trở về Việt Nam sớm quá khi mà kinh nghiệm làm việc độc lập chưa nhiều và các mối quan hệ quốc tế chưa đủ lớn.

Bên cạnh đó, dễ hay khó, làm được hay không, tôi nghĩ cũng tùy thuộc vào từng môi trường. Trong môi trường chung của Việt Nam thì môi trường của từng trường đại học, từng viện nghiên cứu vẫn có sự khác nhau. Thực sự tôi không bị sốc khi trở về mà thấy tương đối thuận lợi vì được lãnh đạo nhà trường, viện nghiên cứu ủng hộ.

Những ngành nên học nếu muốn có ứng dụng

Ở Việt Nam hiện nay công nghệ nano được nói đến khá nhiều, nhưng vẫn khó hiểu với số đông và khó thu hút sinh viên. Theo anh tại sao lại như thế?

- Những người đam mê làm khoa học, muốn có ứng dụng cụ thể trong các mảng của đời sống thì một trong những ngành nên học là khoa học vật liệu và công nghệ nano. Tất nhiên ngành học này yêu cầu tương đối cao, sinh viên muốn theo học phải giỏi ít nhất một trong ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và biết các môn còn lại vì đây là ngành học liên ngành.

Còn về việc khó hiểu hay dễ hiểu, có thể nói đơn giản như thế này: Một vật liệu nhất định ở trạng thái bình thường có tính chất nhất định. Tuy nhiên, khi chuyển sang kích thước nano vật liệu đó sẽ có tính chất hoàn toàn khác và có rất nhiều ứng dụng. Ví dụ vàng là kim loại, chỉ phản xạ chứ không hấp thụ ánh sáng.

TS Trần Đình Phong hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm (Ảnh: Văn Chung)
TS Trần Đình Phong hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm (Ảnh: Văn Chung)

Nhưng khi có hạt nano vàng thì nó không phải là màu vàng mà nó màu đỏ vì hấp thụ ánh sáng, và có nhiều tính chất rất hay như xúc tác quang hóa, diệt khuẩn, phân hủy chất độc hữu cơ... Miếng bạc có tính chất kỵ gió từ thời thượng cổ đến nay ai cũng biết.

Nhưng nếu muốn đưa bạc vào khẩu trang để kháng khuẩn thì bạc miếng không ăn thua mà phải ở dạng nano, vì hạt nano bạc có tính kháng khuẩn và giải độc rất cao.

Ở Thái Lan có trung tâm nghiên cứu nano rất hay mà tôi rất mong muốn một lúc nào đó có cơ hội phát triển ở Việt Nam.

Ví dụ như ngoài nano nghệ mà mình vẫn nghe nói còn rất nhiều bài thuốc gia truyền, rất nhiều cây thuốc mà bà con vẫn dùng mà hiểu biết cặn kẽ tác dụng không nhiều. Đó là những bí truyền mà người phương Tây chẳng hạn có thể không có. Nếu áp dụng công nghệ nano vào những vật liệu này có khả năng làm ra những sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao.

Sắp tới, chúng ta sẽ có các nhà máy sản xuất pin mặt trời. Nếu không có những bạn kĩ sư, cử nhân hiểu được vật liệu làm pin mặt trời như thế nào và làm cách nào để làm tăng hiệu quả hoạt động của chúng thì chúng ta lại chỉ vui vẻ với việc làm ra các tấm pin đi lắp, chỉ là nơi để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người ta.

Ngành khoa học vật liệu, một ngành khoa học công nghệ liên ngành có nhiều ứng dụng trong đời sống, đang là một ngành học hot trên thế giới.

Tôi có phần bất ngờ khi ở Việt Nam sinh viên vào khoa học vật liệu ít như thế. Tôi nghĩ rằng thị trường Đông Nam Á mở cửa rồi, sẽ có rất nhiều cơ hội không chỉ ở trên sân nhà Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực. Các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ nên xem xét và tìm hiểu về ngành học này.

- Xin cảm ơn anh!

"Trong nghiên cứu, có vẻ các nhà nghiên cứu cần phải rất thông minh. Tôi nghĩ chưa chắc đã phải vậy. Thông minh không phải là điều kiện quyết định thành công, mà cảm giác mới quan trọng. Người nghiên cứu khi làm nghiên cứu cần phải cảm giác được mình có đang đi đúng hướng hay không, có nên đi tiếp hay không hay đang bị vướng ở đâu đấy rồi. Có thể khi đang làm mọi người bảo mình húc đầu vào tường rồi nhưng mình lại có cảm giác khác, mình vẫn cứ làm thì lại được".

Theo Ngân Anh – Văn Chung (thực hiện)/Vietnamnet

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Công an phát hiện bí mật động trời trong thùng thuốc nam

Công an phát hiện bí mật động trời trong thùng thuốc nam

Pháp luật - 19 phút trước

Lượng lớn chất ma túy được đối tượng ngụy trang cẩn thận trong thùng thuốc nam nhưng vẫn không qua mặt được công an.

Đón gió mùa Đông Bắc dồn xuống, miền Bắc rét đậm kéo dài?

Đón gió mùa Đông Bắc dồn xuống, miền Bắc rét đậm kéo dài?

Thời sự - 1 giờ trước

GĐXH – Theo dự báo thời tiết hôm nay, đợt không khí lạnh mạnh tăng cường tràn xuống miền Bắc, nền nhiệt hạ còn khoảng 16-18 độ, riêng vùng núi cao dưới 10 độ. Đây là đợt rét đậm nhất từ đầu mùa.

Đội tuyển Việt Nam tỏa sáng tại Robothon Quốc tế 2024

Đội tuyển Việt Nam tỏa sáng tại Robothon Quốc tế 2024

Giáo dục - 2 giờ trước

Ngày 24/11, cuộc thi Robothon Quốc tế 2024 đã diễn ra thành công rực rỡ tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng quan trọng trong hạng mục thi đấu Leanbot.

Tìm kiếm bé 2 tuổi mất tích hơn 2 ngày, nghi rơi xuống suối

Tìm kiếm bé 2 tuổi mất tích hơn 2 ngày, nghi rơi xuống suối

Đời sống - 2 giờ trước

Lực lượng chức năng Quảng Nam đang tìm kiếm bé 2 tuổi ở miền núi mất tích hơn 2 ngày qua, nghi do rơi xuống suối, bị nước cuốn trôi.

Tin sáng 25/11: Đạt bao nhiêu điểm để được phục hồi điểm giấy phép lái xe từ 2025? Từng về nhà chờ chết, chàng trai trẻ hồi sinh kỳ diệu sau 2 tháng nằm viện

Tin sáng 25/11: Đạt bao nhiêu điểm để được phục hồi điểm giấy phép lái xe từ 2025? Từng về nhà chờ chết, chàng trai trẻ hồi sinh kỳ diệu sau 2 tháng nằm viện

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Thông tư 65/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết kết quả kiểm tra đạt yêu cầu để được phục hồi điểm giấy phép lái xe từ 2025; Sau 2 tháng điều trị ở bệnh viện, sự hồi phục của chàng trai bị tai nạn như một "kỳ tích".

Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Lái xe có thể bị trừ hết 12 điểm bằng lái nếu vi phạm lỗi này

Đời sống - 9 giờ trước

GĐXH - Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vậy những hành vi vi phạm giao thông nào sẽ bị trừ hết điểm bằng lái xe?

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Quảng Nam: Đồi núi sạt lở làm sập một ngôi trường mới xây

Thời sự - 10 giờ trước

Một điểm trường mới khánh thành, đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 tháng, tuy nhiên những ngày qua mưa lớn đã khiến đồi núi sạt lở, làm sập ngôi trường.

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Nội dung bức thư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi 1 học sinh Đắk Nông

Giáo dục - 12 giờ trước

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã viết thư động viên, khích lệ một nữ sinh tại tỉnh Đắk Nông.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi bị ngập sâu, Quảng Ngãi ra công điện khẩn

Thời sự - 12 giờ trước

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công điện khẩn về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn.

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Lời khai của đối tượng cầm đầu đường dây mua bán pháo 'khủng'

Pháp luật - 13 giờ trước

GĐXH - Hoàng Khắc Phi khai nhận đã móc nối với một số đối tượng rồi liên hệ mua pháo từ Campuchia vận chuyển về tập kết tại kho ở Gia Lai để đóng gói mang đi tiêu thụ.

Top