Chuyên gia phân tích những bất thường trong vụ hủy hợp đồng giữa Mobifone với AVG
GiadinhNet – “Phải có “một sự kiện nào đó” khiến Mobifone và các cổ đông lựa chọn phương án “hủy hợp đồng chuyển nhượng mà hai bên đã ký” để giải quyết vấn đề đang tranh cãi gây tổn hại cho cả hai bên hoặc để tránh một hậu quả có thể xảy ra”, Chuyên gia Kinh tế La Văn Thái nhận định.
Ngày 12/03/2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Mobifone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bàn bạc, thoả thuận về Hợp đồng mua cổ phần AVG của Mobifone trong đó các bên đã thỏa thuận về việc “hủy bỏ hợp đồng mua bán 95% cổ phần của Mobifone với các nhóm cổ đông AVG”. Theo quan điểm của tôi điều này “vô cùng bất thường” bởi lẽ:
Mobifone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông AVG thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng khi đang bị Thanh tra Chính Phủ thanh tra và sắp công bố Kết luận thanh tra và đặc biệt là ngay sau khi có ý kiến của Ban bí thư chỉ đạo liên quan đến vụ việc trên thì chỉ sau 4 ngày các bên liên quan ngay lập tức họp để thống nhất “hủy việc chuyển nhượng cổ phần”.
MobiFone và AVG thống nhất huỷ việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thoả thuận. Ảnh: HTD
Việc này khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi là nếu không có việc bị thanh tra và không có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban bí thư và việc vào cuộc của các cơ quan nhà nước khác thì liệu Mobifone và các cổ đông có tự họp để hủy hợp đồng chuyển nhượng đã được mua bán xong rồi không?
Việc mua bán cổ phần này đã được các bên thực hiện từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, thực tế là Mobifone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương số tiền 8.890 tỷ đồng, các cổ đông AVG đã nhận tiền chuyển nhượng và cũng đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho việc chuyển nhượng (nộp 0.1% giá trị chuyển nhượng với số tiền khoảng 8,89 tỷ đồng).
Mobifone đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng (đã sang tên cổ phần) tức là về pháp lý Mobifone đã chính thức sở hữu 95% cổ phần của AVG và phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc quản lý điều hành suốt hơn 2 năm qua. Nếu không có gì bất thường thì sao lại phải “hủy”?
Các cổ đông AVG thực hiện việc chuyển nhượng công ty đang lỗ với giá cao gấp gần 3 lần vốn điều lệ là “thành công” lớn, giờ chỉ vì Mobifone chậm thanh toán 5% giá trị còn lại mà lại đồng ý hủy hợp đồng, không yêu cầu Mobifone bồi thường, đồng ý trả lại số tiền đã nhận và sẵn sàng trả thêm lãi suất và các chi phí liên quan; đồng ý nhận lại công ty lỗ để mang gánh nặng vào thân.
Theo lý thuyết thì thông thường không ai làm điều này trừ khi hiện tại AVG đang hoạt động kinh doanh có lãi và việc hủy hợp đồng là có lợi ngay lập tức hoặc lâu dài cho các cổ đông AVG.
Chuyên gia Kinh tế La Văn Thái - tác giả bài viết.
Lý do cho việc hủy hợp đồng mà các bên đưa ra là do “Mobifone chưa thanh toán 5% giá trị hợp đồng còn lại cho các cổ đông AVG”. Lý do đưa ra như vậy là hoàn toàn không thuyết phục vì thông thường 5% giá trị mà Mobifone chưa thanh toán là khoản nợ chậm thanh toán của Mobifone.
Với việc chậm thanh toán 5% này thì các cổ đông AVG có quyền phạt hợp đồng hoặc yêu cầu Mobifone phải trả thêm một khoản lãi chậm thanh toán theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật chứ không phải là cơ sở để hủy hợp đồng chuyển nhượng một cách dễ dàng như vậy được.
Hơn nữa, việc hủy hợp đồng chuyển nhượng với thỏa thuận như vậy là hoàn toàn bất lợi cho các cổ đông AVG, có lợi cho Mobifone. Liệu bình thường người có quyền quyết định lại tự nhận bất lợi về mình?
Trên thực tế, sau khi thanh toán xong 95% giá trị cổ phần và làm xong thủ tục sang tên số cổ phần đã mua thì Mobifone đã trực tiếp tham gia quản lý điều hành từ đó đến nay, tức là mọi hoạt động kinh doanh kể từ khi tiếp quản đến nay là hơn 2 năm, kết quả kinh doanh và hậu quả pháp lý đã và đang tồn tại cần phải xử lý như thế nào? Ai chịu trách nhiệm?.
Với những lập luận trên thì rõ ràng phải có “một sự kiện nào đó” khiến Mobifone và các cổ đông thấy “phương án tối ưu mà các bên lựa chọn trong thời điểm này là cùng nhau thống nhất việc “hủy hợp đồng chuyển nhượng mà hai bên đã ký” để giải quyết vấn đề đang tranh cãi gây tổn hại cho cả hai bên.
Hoặc việc làm này là để tránh “một hậu quả nào đó có thể xảy ra” khiến cả hai bên phải chịu hậu quả nặng nề hơn việc “hủy hợp đồng chuyển nhượng và trả lại cho nhau những gì đã nhận”?
Theo quy định của pháp luật thì việc chuyển nhượng cổ phần giữa các bên liên quan là một giao dịch dân sự thông thường. Kể cả Nhà nước khi tham gia cũng chỉ là một bên giao dịch dân sự.
Theo nguyên tắc thì các bên đều bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền tự quyết, tự định đoạt việc có tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng hay không là điều hoàn toàn bình thường và hợp pháp.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, do Mobifone là doanh nghiệp Nhà nước nên việc hai bên hủy hợp đồng như trên lại là không bình thường. Trường hợp này không đơn giản là hai bên hủy hợp đồng và hoàn trả lại cho nhau là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn phải xem xét trách nhiệm của các bên liên quan xem có dấu hiệu làm trái hoặc chiếm đoạt, làm thất thoát, mất vốn của Nhà nước hay không?
Một trong những cơ sở của AVG trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Nam Trần
Nhìn ở góc độ pháp lý thì thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng như nêu trên không đảm bảo tính pháp lý bởi lẽ:
Một là, do Mobifone là doanh nghiệp nhà nước nên phải tuân thủ theo các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, thẩm quyền phê duyệt đầu tư trong trường hợp này thuộc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vì có mức đầu tư lớn, khoảng 8.900 tỷ.
Mobifone ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không đảm bảo điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, tức là hợp đồng bị vô hiệu vì chủ thể ký kết không đủ thẩm quyền ký và do đó hậu quả pháp lý của nó phải giải quyết theo các quy định của pháp luật về “giao dịch dân sự vô hiệu” mới đảm bảo tính pháp lý và mới giải quyết được triệt để, toàn diện các vấn đề liên quan.
Hai là, nếu Mobifone và các cổ đông AVG chỉ thỏa thuận với nhau về việc khi hủy bỏ hợp đồng “phía các cổ đông AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ Mobifone, trong khi phía Mobifone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng” thì thỏa thuận như vậy là chưa toàn diện, chưa giải quyết hết các vướng mắc, các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến bên thứ ba.
Trong thời gian Mobifone tham gia quản lý điều hành AVG đã ký các giao dịch dân sự hoặc làm nảy sinh sự kiện pháp lý với bên thứ ba thì bây giờ giải quyết ra sao? Tức là việc hủy hợp đồng này chưa đảm bảo đến quyền lợi của các chủ thể khác đã ký kết các giao dịch hoặc các sự kiện pháp lý phát sinh trong giai đoạn Mobifone giữ quyền quản lý, điều hành AVG.
Ba là, giả sử sau này cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ một trong hai bên hoặc cả hai bên liên quan khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng này là không vô tư, khách quan, không vì quyền lợi của Nhà nước; việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng nêu trên là vi phạm pháp luật, cố ý làm trái các quy định nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà nước thì khi đó hợp đồng chuyển nhượng này phải bị tuyên vô hiệu thì mới giải quyết triệt để các vấn đề pháp lý liên quan và hậu quả của nó.
Còn nếu hai bên liên quan tự thỏa thuận hủy thì không đảm bảo tính pháp lý vì có thể xâm phạm đến quyền lợi của Nhà nước hoặc bên thứ ba.
Bên cạnh đó, việc hủy như vậy có thể gây thiệt hại cho Nhà nước vì thực tế Mobifone đã thanh toán 8.890 tỷ đồng cho các cổ đông AVG và liệu khi thỏa thuận trả lại cho nhau những gì đã nhận thì ngoài tiền gốc, tiền lãi có đảm bảo thu đủ theo lãi suất huy động thông thường của các Ngân hàng TMCP trả hay không?
Hơn nữa, Mobifone đã cử nhân sự tham gia quản lý, điều hành AVG. Trong thời gian đó có tiếp tục tiến hành đầu tư cho các hoạt động kinh doanh không, có bị lỗ trong giai đoạn đó không?
Đấy là chưa tính đến toàn bộ các chi phí mà Mobifone đã bỏ ra trong thương vụ chuyển nhượng này như chi phí nghiên cứu, đánh giá dự án đầu tư, chi phí nhân lực phục vụ cho toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc chuyển nhượng, chi phí thuê đơn vị tư vấn giá, thẩm định giá và chi phí khác có liên quan…
Đây là thương vụ chuyển nhượng có giá trị lớn, có nhiều dấu hiệu bất thường, được dư luận đặc biệt quan tâm do đó để đảm bảo tính công khai, minh bạch và để đảm bảo mọi giao dịch phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát vốn của Nhà nước và nhân dân thì đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ bản chất sự việc trên.
Nếu phát hiện các vi phạm thì phải có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo thu hồi vốn của Nhà nước không để bị tẩu tán tài sản làm thất thoát vốn Nhà nước.
Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân liên quan có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn ngừa các vi phạm tương tự, đảm bảo kẻ phạm tội phải bị trừng trị thích đáng, nghiêm minh.
Không làm oan người vô tội nhưng nhất định không bỏ sót kẻ phạm tội, đảm bảo công bằng xã hội bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị trừng phạt, để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đúng với khẩu hiệu “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
Chuyên gia Kinh tế, Luật sư La Văn Thái
Thông tin mới nhất lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 của công chức, viên chức, người lao động
Thời sự - 15 phút trướcGĐXH - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có đề xuất về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của công chức, viên chức, người lao động.
Bão số 4 sắp hình thành trên Biển Đông, khả năng cao hướng vào miền Trung
Thời sự - 16 phút trướcGĐXH - Theo cơ quan khí tượng, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Đông, sẽ mạnh lên thành bão số 4. Dự báo bão di chuyển vào khu vực biển từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Các trường học thiệt hại hơn 1.200 tỷ, mất 41.500 bộ SGK do bão Yagi
Giáo dục - 1 giờ trướcĐó là con số thống kê về thiệt hại cơ sở vật chất và thiết bị dạy học do cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão gây ra.
Không khí lạnh sắp tràn xuống, miền Bắc lại có mưa diện rộng?
Thời sự - 3 giờ trướcGĐXH - Theo chuyên gia khí tượng, một khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta vào giai đoạn sau ngày 19/9. Từ khoảng đêm 20-23/9 có khả năng xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.
Một thông tin quan trọng về đất đai chỉ có mức phí khai thác chưa tới giá 1/3 bát phở
Pháp luật - 4 giờ trướcGĐXH - Từ 1/8/2024, người dân chỉ mất phí 10.000 đồng là có thể khai thác và sử dụng một thông tin quan trọng về đất đai.
Người đàn ông cầm mỏ lết đánh tới tấp tài xế ô tô ngay giữa đường
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Người đàn ông liên tục chửi bới thậm chí còn dùng mỏ lết đánh tới tấp một tài xế xe ô tô ngay giữa đường tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), khiến nhiều người chứng kiến không khỏi bức xúc, phẫn nộ.
Cận cảnh hiện trường vỡ đập bùn thải chì kẽm ở Bắc Kạn
Thời sự - 5 giờ trướcVụ vỡ đập bùn thải quặng chì kẽm của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân.
Thông tin mới vụ người phụ nữ tát, giật tóc bà bầu gây xôn xao mạng xã hội
Pháp luật - 5 giờ trướcBà bầu bị một phụ nữ tát, giật tóc. Sự việc đăng trên mạng xã hội gây nhiều sự bức xúc.
Tạm giữ hình sự người tông chết học sinh lớp 2 trong sân trường
Pháp luật - 6 giờ trướcCơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự để củng cố hồ sơ khởi tố người đàn ông chở con vào sân trường gây tai nạn khiến 1 em học sinh lớp 2 tử vong.
Hành trình đáng nhớ của đường đua xanh Green Cần Giờ Marathon HDBank 2024
Xã hội - 6 giờ trướcGần 3.500 runners trong nước và quốc tế tham gia, hơn 300 cây xanh được trồng thêm và gần 500kg rác được dọn sạch, Green Cần Giờ Marathon HDBank 2024 lan toả giá trị nhân văn, hướng đến phát triển bền vững qua nhiều hoạt động ý nghĩa.
Top 5 con giáp ai cũng muốn kết bạn
Đời sốngGĐXH - Trong thế giới rộng lớn này, luôn có một vài con giáp rất thân thiện, dễ gần khiến ai cũng muốn gần gũi.