Sự thật gây tranh cãi về con người Đường Tam Tạng trong 'Tây du ký'
Giống như các nhân vật khác trong nhóm thỉnh kinh, nhân vật Tam Tạng trong nguyên tác cũng có nhiều điểm khuất không bộc lộ trên phim ảnh.
Tây du ký là một trong "tứ đại danh tác Trung Quốc" của Ngô Thừa Ân. Tác phẩm được dựng phim lần đầu vào năm 1927 nhưng phiên bản được biết đến rộng rãi nhất là của đạo diễn Dương Khiết phát hành năm 1986. Tuy bản này được cho là sát nguyên tác nhất, song lược bỏ hoặc thêm thắt không ít chi tiết.
1. Tên thật của Tam Tạng
Nhân vật chính của Tây du ký được biết rộng rãi với tên Đường Tam Tạng, trung tâm của nhóm thỉnh kinh. Tuy nhiên, đây không phải tên thật của ông mà là tên hiệu do Đường Thái Tông Lý Thế Dân đặt cho.
Chương 12, khi Thái Tông tiễn Tam Tạng đi Ấn Độ thỉnh kinh, biết em kết nghĩa là người tu hành, không có tên hiệu, liền nói rằng: "Trẫm nghe Quán âm nói bên Tây Phương có kinh Tam Tạng (3 tạng), đặt hiệu cho ngự đệ là Tam Tạng đành không?". Vì là anh em kết nghĩa (ngự đệ) với vua Đường nên gọi là Đường Tam Tạng.

Tam Tạng là Thân trong "Ngũ vị nhất thể". |
Tên thật của Tam Tạng được cho biết ở chương 9 của tác phẩm. Khi Pháp Minh hòa thượng phát hiện có em bé bị thả trôi sông cạnh chùa Kim Sơn, bèn vớt nuôi. Ông họ Trần, được thầy đặt tên là Giang Lưu (trôi trên sông). Tam Tạng mang cái tên này 18 năm, đến khi tu thành công quả thì lấy tên là Huyền Trang.
Bên cạnh đó, Tam Tạng là nhà sư nên còn được gọi tên kèm chức nghiệp là Đường Tăng. Việc gọi họ kèm chức nghiệp hoặc đặc điểm thiết thân là cách gọi khá phổ biến thời xưa, như Tôn Hành Giả (Tôn Ngộ Không), Sa Tăng (Sa Ngộ Tịnh),...
Xuất thân của Tam Tạng:
2. Xuất thân khác nhau của Tam Tạng trong lịch sử, phim ảnh và văn học
Trong bản phim Tây du ký 1986, xuất thân của Tam Tạng được phác họa vắn tắt trong 7 phút phim, thông qua lời kể của một tiểu nhị trong quán rượu.
Tuy nhiên, trong nguyên tác, xuất thân của Tam Tạng được kể đầy đủ trong chương 9, tương ứng với 4 kiếp nạn đầu tiên trong 81 kiếp nạn gồm: Phải đọa đầu thai, Mới lọt lòng gần bị giết, Bị thả trôi sông và Tìm mẹ trả thù cha.
Có thể tóm tắt như sau: Cha Tam Tạng tên là Quang Nhụy, thi đỗ trạng nguyên rồi lấy vợ là Ôn Kiều - con gái Thừa tướng. Trên đường đi nhậm chức Tri châu quận thành Giang châu, vợ chồng Quang Nhụy đi đò qua sông Hồng Giang. Tay lái đò Lưu Hồng thấy Ôn Kiều xinh đẹp thì cùng đồng bọn Lý Bưu đánh chết Quang Nhụy, vứt xác xuống sông, ép Ôn Kiều làm vợ. Bà khi ấy đã mang thai nên nhịn nhục làm vợ Lưu Hồng.
![]() |
Xuất thân của Tam Tạng tương ứng với 4 kiếp nạn nhưng lên phim bị lược bỏ nhiều. |
Để bảo đảm tính mạng cho con, Ôn Kiều đã cắn đứt nửa ngón út chân trái của Tam Tạng làm dấu, viết một lá thư máu kể ngọn ngành câu chuyện cùng căn cước cha mẹ rồi thả con trai trôi sông. Trên phim ảnh, xuất thân của Tam Tạng hầu như chỉ có phần này.
Tuy nhiên, theo nguyên tác, Quang Nhụy sau khi bị đánh chết, vứt xuống sông đã được Long vương sông Hồng Giang cứu. Do cha Tam Tạng từng phóng sinh một con cá vảy vàng (là Long vương hóa thân) nên được trả ơn. Long vương cho ông ngậm một viên châu để xác không bị thối rữa, còn hồn thì làm việc dưới thủy cung.
Mười tám năm sau, khi Tam Tạng và ông ngoại giết Lưu Hồng trả thù, thì hồn Quang Nhụy được trở về xác, từ thủy cung trở về. Sau đó, ông còn được vua Đường phong làm Hàn lâm học sĩ, tiếp tục làm quan.
Tuy nhiên, niềm vui sum họp đại gia đình Tam Tạng đã không trọn vẹn khi bà Ôn Kiều vì xấu hổ chuyện nhẫn nhục làm vợ Lưu Hồng mà hai lần tự tử. Lần đầu, bà treo cổ tự tử không thành vì mọi người kịp phát hiện. Lần thứ hai, khi chồng nhận chức quan mới, con trai yên lòng đi tu, bà mới uống thuốc độc tự tử chết trong nhà.
Trong khi đó, nhân vật lịch sử Đường Huyền Trang (600 - 665) tên thật là Trần Huy, cha là Trần Huệ, sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại. Ông học chữ Nho, đọc kinh Phật từ nhỏ, đến năm 13 tuổi thì xuất gia và lấy pháp danh Huyền Trang. Ông có hai người anh cũng đều xuất gia đi tu.
Khác với trong truyện, Tam Tạng được Đường Thái Tông ủng hộ nồng nhiệt thì nhân vật lịch sử Huyền Trang từng hai lần dâng tấu xin đi Ấn Độ nhưng đều bị vua cấm xuất hành. Sau đó, ông đã phải liều mình ra đi, quyết hành hương để chiêm bái đất Phật.
Hành trình của Huyền Trang dài hơn 25.000 km, đi qua 128 nước lớn nhỏ nhưng khổ cực, nguy hiểm gấp nhiều lần trong truyện, phim vì Huyền Trang đi hành hương một mình, không có các đồ đệ tài ba hộ tống hay thần linh bảo hộ. Khổ ải được đền đáp khi ông đạt thành quả tu tập nổi danh khắp Ấn Độ, mang về 657 bộ kinh phật cùng nhiều bảo vật quý cho Trung Quốc.
3. Gây tranh cãi vì tham gia báo thù, tính cách nhu nhược, kém minh mẫn và tư tưởng không nhất quán
Ở chính quê hương của Tây du ký, nhân vật Tam Tạng gây tranh cãi rất nhiều vì hình tượng trong tác phẩm bị cho là bôi bác nhân vật lịch sử Đường Huyền Trang.
![]() |
Tam Tạng đắc đạo, được phong Chiên đàn Công đức Phật. |
Trước tiên, trong phần xuất thân ở chương 9 của truyện, nhiều người bất ngờ khi biết Tam Tạng tham gia vụ báo thù cho cha. Cụ thể, khi được sư Pháp Minh tiết lộ xuất thân, Tam Tạng khóc và thề: "Cừu (thù) cha mẹ không trả, sao phải làm người". Sau đó, ông quyết một mình đi tìm mẹ, bà nội và ông bà ngoại để nhận lại người thân.
Tam Tạng và ông ngoại Thừa tướng được vua Đường cho mượn 5 - 6 muôn binh (1 muôn = 10.000) bắt Lưu Hồng, tra khảo dã man rồi xử chết. Lý Bưu, đồng bọn của Lưu Hồng, cũng không thoát án tử.
Tuy trả thù cho bố mẹ và Tam Tạng cũng không trực tiếp ra tay nhưng vụ trả thù này từng khiến không ít người đọc thấy lấn cấn, băn khoăn.
Suốt hành trình đến Ấn Độ, Tam Tạng nhiều lần tỏ ra nhu nhược, kém minh mẫn, không biết phân định đúng sai dù được mô tả là "thiên tính trời phú", đọc rộng hiểu nhiều.
Một điểm gây tranh cãi lớn ở nhân vật Tam Tạng nữa là tư tưởng không nhất quán. Tu hành từ nhỏ, ăn chay từ khi dứt sữa, Tam Tạng có lòng từ bi hỉ xả nên nghiêm cấm các đồ đệ sát sinh, nhiều lần niệm chú Định tâm trừng trị Ngộ Không vì hành vi giết người, thậm chí từng đuổi thẳng đồ đệ ở chương 27 (Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh).
Tuy nhiên, biểu hiện lòng từ bi của Tam Tạng lúc này, lúc khác. Lúc mới khởi hành không lâu, Ngộ Không từng đánh chết một con hổ định tấn công Tam Tạng dù chỉ là loài vật hành xử theo bản năng mà không bị thầy trách phạt.
Đáng lưu ý, khi nhóm Tam Tạng đấu phép với ba yêu quái nước Xa Trì, Ngộ Không từng giết người một cách tàn nhẫn. Trích đoạn chương 46:
"Quan giám sát sợ mình mang tội khi quân, liền quỳ tâu rằng:
- Thiệt là chết rục rồi, bởi nhằm ngày độc nên hòa thượng hiện hồn làm quỷ.
Tôn Hành Giả nghe nói nổi nóng, nhảy ra lấy thiết bảng đập quan giám sát nát thây, mà hỏi rằng:
- Ta chết bao giờ mà nói ta thành quỷ?".
Không ít độc giả từng đọc nguyên tác thấy kinh ngạc khi Ngộ Không đánh vị quan giám sát chết nát thây ngay trước mặt Tam Tạng dù người này không hề có khả năng gây nguy hại. Sau đó, Ngô Thừa Ân không nhắc gì chuyện Tam Tạng mắng mỏ hay trách phạt Ngộ Không.
OST Nữ nhi tình - Tây du ký 1986:
4. Tam Tạng không động lòng trước nữ chúa Tây Lương
Trong bản Tây du ký 1986, có một chi tiết cải biên khiến khán giả hiểu lầm Tam Tạng. Khi Tam Tạng và các đồ đệ đi ngang Tây Lương nữ quốc, Ngộ Không đã bày kế để thầy giả vờ đồng ý nhận lời lấy nữ vương nước này.
![]() |
Cảnh Tam Tạng hoàn tục, ở lại làm vua nước Tây Lương trong tưởng tượng của nữ vương. |
Tuy nhiên, không khó nhận thấy đạo diễn Dương Khiết có chủ ý lãng mạn hóa cảnh này. So với nguyên tác, đoạn phim được tăng thời lượng rất nhiều. Bối cảnh được dựng đẹp như cảnh tiên với rèm buông trướng rũ, vườn hoa thơ mộng. Thậm chí, ekip còn đặt bài Nữ nhi tình làm ca khúc riêng cho đoạn này.
Nữ vương (Chu Lâm) nhan sắc tươi giòn, tuy vẫn giữ lễ nghĩa nhưng liên tục cận kề Tam Tạng. Trong khi đó, Tam Tạng (Từ Thiếu Hoa) tỏ ra không quá phản kháng, thậm chí có phần nhượng bộ. Cảnh chia tay khi rời nước Tây Lương, Tam Tạng và nữ vương còn nhìn nhau lưu luyến, ân tình.
Đoạn phim này khiến khán giả hiểu lầm Tam Tạng còn động lòng phàm trước nữ sắc.
Sự thật, giữa chương 54 và đầu chương 55 cho thấy, diễn biến cuộc gặp gỡ ở nước Tây Lương rất chóng vánh. Nữ vương vừa đóng ấn lên tờ điệp xong, Tam Tạng và đồ đệ lập tức trở mặt khiến cô sốc đến ngã nhào.
Trích đoạn chương 55: "Chúa tôi nước Tây Lương hãi kinh thất sắc, đồng quỳ lạy và nói rằng:
- Thiệt bốn thầy trò là phật La Hán nên đằng vân bay lên trời.
Các nữ quan tâu rằng:
- Ðường ngự đệ là hòa thượng gần thành, ba người học trò cũng vậy. Bởi chúng tôi có mắt không tròng, ngỡ là trai Trung Hoa, nên lo nhiều việc mất công. Nay Phật rước rồi, xin bệ hạ lui về cung điện.
Nữ vương hổ thẹn lên xe các quan đồng hộ giá trở lại".
Sự xuất hiện của nữ vương sau trích đoạn này là hết, không có cảnh chia tay lưu luyến ân tình.
Theo VietNamNet

'Chàng lãng tử miền Tây' tiết lộ tài sản sau 30 năm ca hát và bà xã kín tiếng
Câu chuyện văn hóa - 8 phút trướcLâm Hùng nói không giàu có như tin đồn, ngại khi được gọi là "Vua nhạc miền Tây". Anh biết ơn bà xã vun vén, nuôi dạy các con suốt năm tháng mình miệt mài chạy show bên ngoài.

Lộ diện tạo hình độc lạ của dàn cast "2 ngày 1 đêm" mùa 4
Giải trí - 10 giờ trướcGĐXH - Tại buổi chụp hình ra mắt trước thềm ghi hình chính thức, dàn cast “2 Ngày 1 Đêm” mùa 4 đã khiến cộng đồng người hâm mộ “đủ wow” với phong cách “độc - dị - chẳng giống ai”...

Blogger Lê Hà Trúc viết tâm thư xin lỗi sau loạt lùm xùm trên mạng xã hội
Giải trí - 11 giờ trướcGĐXH - Sau nhiều ngày trở thành “tâm điểm” bàn tán trên nền tảng mạng xã hội Threads, mới đây nữ blogger Lê Hà Trúc đã chính thức lên tiếng xin lỗi.

Nữ diễn viên đất Bắc đóng vai người mẹ trong phim điện ảnh về Thành cổ Quảng Trị 'Mưa đỏ' là ai?
Giải trí - 12 giờ trướcGĐXH - Diễn viên Thúy Hà đã quen mặt với khán giả qua nhiều phim giờ vàng miền Bắc, mới đây chị lại gây ấn tượng với phân cảnh tiễn con trai lên đường nhập ngũ trong phim "Mưa đỏ". Ngay lập tức những thông tin về chị được khán giả quan tâm.

'Cầu vồng ở phía chân trời' mới nhất (tập 14): Hai giúp việc liên kết phá Oanh và Tuấn yêu nhau
Xem - nghe - đọc - 15 giờ trướcGĐXH - Lo sợ mất việc khi hai gia đình về chung một nhà, chị Ngà và cô Tuyết giúp việc đã tìm cách phá chuyện tình cảm của Tuấn và Oanh.

Cựu VĐV quyền anh quê Tuyên Quang bất ngờ thi Miss Grand Vietnam 2025
Giải trí - 15 giờ trướcGĐXH - Cựu VĐV quyền anh - Nguyễn Thị Loan (SN 1999, quê Tuyên Quang) bất ngờ ghi danh thi Miss Grand Vietnam 2025 - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2025.

'Dịu dàng màu nắng' mới nhất (tập 34): Tuyết bị chỉnh đốn, Lan Anh được về gần chồng con
Xem - nghe - đọc - 17 giờ trướcGĐXH - Trong tập 34 "Dịu dàng màu nắng", Tuyết bị giám đốc Hà chấn chỉnh, trong khi đó Lan Anh sắp về lại cơ sở cũ.

Bóc giá chiếc đồng hồ hàng hiệu Jack - J97 đeo hôm họp báo cùng mẹ
Giải trí - 18 giờ trướcGĐXH - Jack - J97 thời gian qua đã gây sốt khi cùng mẹ mở cuộc họp báo nói rõ về chuyện quá khứ với Thiên An. Ngoài những câu chuyện gây chú ý về đời tư, Jack - J97 còn được khán giả soi chiếc đồng hồ hàng hiệu.

'Dịu dàng màu nắng' tập mới nhất: Xuân tìm cách né tránh tình cảm của sếp Phong
Xem - nghe - đọc - 19 giờ trướcGĐXH - Trong tập 33 "Dịu dàng màu nắng", Xuân từ chối gặp sếp Phong dù trong lòng có rung động từ trước.

'Cầu vồng ở phía chân trời' tập mới nhất: Yêu nhau bí mật, Oanh - Tuấn vẫn bị lộ bởi hai 'thám tử'
Xem - nghe - đọc - 20 giờ trướcGĐXH - Trong tập 13 "Cầu vồng ở phía chân trời", chuyện hẹn hò của Oanh và Tuấn dù cố gắng giữ kín nhưng vẫn bị lộ bởi những người tò mò.

Nữ diễn viên được Huỳnh Anh Tuấn giới thiệu là vợ: Mỹ nhân Hà thành xưa, được ví là 'hoa hậu màn ảnh Việt'
Giải tríGĐXH - Trước khi bị đột quỵ, diễn viên Huỳnh Anh Tuấn từng chia sẻ một nữ diễn viên là vợ trên trang cá nhân. Nhiều người bất ngờ đó là diễn viên Khánh Huyền, sự thật mối quan hệ của họ ra sao?